Đưa Viện Công nghệ sinh học phát triển xứng tầm

Việc thành lập Viện Công nghệ sinh học (CNSH) quốc gia miền Trung sẽ góp phần nâng cao vị thế, phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của Đại học (ĐH) Huế và phát triển Thừa Thiên Huế thành một trung tâm khoa học lớn của cả nước, đồng thời thúc đẩy sự phát triển về kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.
Ông Huỳnh Thành Đạt, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thăm và đánh giá sản phẩm khoa học của Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế

Từ yêu cầu thực tiễn

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Thừa Thiên Huế sẽ hình thành trung tâm CNSH cấp quốc gia khu vực miền Trung trên cơ sở sáp nhập Viện CNSH, ĐH Huế và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên Huế (thuộc Sở Y tế tỉnh).

Trên thực tế, việc thành lập Viện CNSH quốc gia miền Trung trên cơ sở sáp nhập Viện CNSH, ĐH Huế và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên Huế xuất phát từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như yêu cầu từ thực tiễn.

Gần 10 năm thành lập, Viện CNSH, ĐH Huế đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới cùng các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch về phát triển Thừa Thiên Huế thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN); phát triển Viện CNSH, ĐH Huế trở thành một trung tâm CNSH quốc gia khu vực miền Trung.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế

Theo đại diện Viện CNSH, ĐH Huế, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, nông lâm ngư nghiệp. Những năm qua, khu vực này đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của cả nước.

Tuy nhiên, đây cũng là vùng đất có nhiều khó khăn và bất lợi về điều kiện tự nhiên như hạn hán về mùa khô, lũ lụt về mùa mưa, sự tác động mãnh liệt của biến đổi khí hậu đặc biệt ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế.

Chiến lược phát triển ĐH Huế giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 xác định sứ mạng của ĐH Huế là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước; phát huy truyền thống đào tạo tinh hoa, chất lượng cao kết hợp với nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực tạo ra các sản phẩm KH&CN tiên tiến, hiệu quả. Do đó, việc phát triển Viện CNSH, ĐH Huế thành một trung tâm CNSH quốc gia miền Trung là hết sức cần thiết.

Nhiều thuận lợi

Những năm qua, thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ của ĐH Huế, Viện CNSH đã triển khai thúc đẩy những chính sách ưu tiên phát triển CNSH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ KH&CN, tỉnh Thừa Thiên Huế và ĐH Huế như hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cho nhóm nghiên cứu mạnh, ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu ứng dụng có sản phẩm chuyển giao, nâng mức khen thưởng cho các công bố quốc tế uy tín và sở hữu trí tuệ. Hợp tác với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực CNSH đã đạt được nhiều kết quả.

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế cho biết, từ năm 2018 đến nay, sau khi có Quyết định 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Viện đã xây dựng chiến lược phát triển KHCN phù hợp với mục tiêu đặt ra. Cũng từ đó, các kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học cao hơn các giai đoạn trước.

Hiện, Viện CNSH, ĐH Huế đang thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN, trong đó có 1 dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia; 5 đề tài nghiên cứu độc lập cấp quốc gia; 2 chương trình KHCN cấp Bộ gồm 13 đề tài; 1 đề tài thuộc chương trình KHCN cấp Bộ thuộc Chương trình 562; 2 đề tài thuộc chương trình KHCN cấp bộ thực hiện từ 2021; 1 đề tài NAFOSTED; 6 đề tài cấp tỉnh; 7 đề tài cấp ĐH Huế; 4 đề tài cấp cơ sở và 1 dự án hợp tác quốc tế.

Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của cán bộ viên chức và người lao động của Viện cùng với các nhà khoa học trong ĐH Huế đã tạo ra 42 sản phẩm ứng dụng và quy trình KHCN để chuyển giao, thương mại hóa. Giai đoạn 2018 đến nay, Viện đã công bố hơn 200 bài báo khoa học chuyên ngành trong đó có 123 bài báo trên các chí tạp chí quốc tế uy tín cao và đang đào tạo 11 nghiên cứu sinh ngành Sinh học, trong đó có 2 cán bộ của nước bạn CHDCND Lào.

Hướng đến giải quyết những nhiệm vụ của quốc gia

Những năm qua, với chính sách đãi ngộ hợp lý, Viện đã thu hút được đội ngũ cán bộ trình độ tiến sĩ về công tác tại đơn vị. Đến nay, đội ngũ cán bộ trình độ tiến sĩ là 9 người cùng với nhiều cán bộ khác đang được cử đi học tiến sĩ trong và ngoài nước. TS. Hồ Ngọc Hân, Phụ trách Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử, Viện CNSH, ĐH Huế – từng là nhà vô địch cuộc thi đường lên đỉnh Olympia về nước và công tác tại Viện cho biết: “Mình có 8 năm học tập và làm việc ở Úc, 3 năm làm việc ở Anh trong lĩnh vực CNSH và Hóa sinh. Đi nhiều nơi nhưng cuối cùng mình quyết định về quê hương và Viện CNSH là nơi có môi trường thích hợp nhất ở Huế để mình làm chuyên môn. Với những định hướng phát triển Viện, tương lai nơi đây là môi trường tốt để những người làm nhiệm vụ nghiên cứu cống hiến”. Còn theo TS. Nguyễn Thị Kim Cúc, một cán bộ cũng chuyển từ đơn vị ở miền Bắc đến Viện công tác cho rằng, sự quan tâm của các cấp ngành, đã tạo điều kiện để những người làm công tác nghiên cứu có nhiều nhiệm vụ, đề tài để thực hiện. Và, hy vọng với lộ trình phát triển, môi trường làm việc của các nhà nghiên cứu sẽ còn tốt hơn trong thời gian tới.

Triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế

Hiện, Viện CNSH, ĐH Huế đang tập trung năng lực nghiên cứu để thực hiện các nhiệm vụ quốc gia, quốc tế. PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải khẳng định, mục tiêu hướng đến của Viện là xây dựng, phát triển Viện thành một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực y dược, mỹ phẩm, thực phẩm, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, môi trường, và dược liệu,… cấp quốc gia tại miền Trung, có cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, nhân lực đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ nền của CNSH, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực kiểm nghiệm của Viện đáp ứng nhu cầu xã hội.

Trên lộ hình phát triển, Viện CNSH hướng đến năm 2030 sẽ phát triển thành một trong ba trung tâm CNSH quốc gia đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN với năng lực cao trong nghiên cứu khoa học, sản xuất và chuyển giao sản phẩm, quy trình công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước; Phát huy tiềm năng, sức mạnh của đội ngũ cán bộ, tạo động lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh nhằm thực hiện các nhiệm vụ CNSH tầm quốc gia và quốc tế, tham gia xây dựng chiến lược phát triển CNSH quốc gia. Đồng thời, xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu lĩnh vực sinh học, CNSH từ cấp phổ thông đến ĐH và sau ĐH.

Viện CNSH quốc gia miền Trung cũng sẽ hình thành mạng lưới CNSH khu vực miền Trung với hạt nhân là Viện. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng mới, khu ươm tạo và sản xuất thử nghiệm gồm nhà kính, nhà lưới và sản xuất vaccine, chế phẩm sinh học. Trên cơ sở đó, năng lực phân tích của Viện sẽ được nâng cao bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phân tích, phục vụ quản lý nhà nước về dược phẩm, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, môi trường,… trên địa bàn các tỉnh khu vực miền Trung, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Tiếng Việt