Nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Đại học Huế mã số DHH2021-15-18

Ngày 29/12/2023, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Đại học Huế “Nghiên cứu tiềm năng đối kháng sinh học của một số chủng vi sinh vật kháng nấm bệnh Phytopphthora sp. trên cây Thanh trà”, mã số: DHH2021-15-18 do ThS. Phạm Thị Diễm Thi làm chủ nhiệm; Viện CNSH, Đại học Huế là đơn vị chủ trì.

Tại buổi nghiệm thu, TS. Nguyễn Bảo Hưng – đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt quá trình nghiên cứu, một số kết quả chính của đề tài như: (1) Phân lập được chủng vi sinh vật gây bệnh chảy gôm trên cây Thanh trà làm chủng bệnh mô hình để nghiên cứu tính đối kháng. Chủng PPH21-T2 được phân lập từ thân cây bị bệnh từ các vườn ở xã Hương Thọ có trình tự ITS tương đồng 99,13% với trình tự ITS của loài Phytophthora citrophthora IMI209255 (Mã số: L76536.1). Sau khi phân lập được mẫu bệnh, tiến hành phương pháp lây nhiễm nhân tạo theo phương pháp Koch’s để có thể xác định được mầm bệnh gây bệnh chảy gôm phân lập được đúng trên cây Thanh Trà; (2) Từ 10 mẫu đất trồng bưởi Thanh trà ở phường Thủy Biều đã phân lập được 10 chủng vi khuẩn có khả năng đối kháng với chủng nấm bệnh Phytophthora sp. thông qua việc đánh giá sơ bộ khả năng đối kháng với nấm bệnh Phytophthora sp. bằng phương pháp đồng nuôi cấy; (3) Kết quả sau khi sàng lọc khả năng đối kháng bằng phương pháp đồng nuôi cấy trên đĩa thạch với nấm bệnh Phythophthora sp. đã chọn ra được 3 chủng có ký hiệu lần lượt là 6T3, CT3, S22 là các chủng có khả năng đối kháng cao nhất để tiến hành định danh bằng phương pháp giải trình tự gene. Kết quả phân tích trình tự 16S rRNA và so sánh trình tự trên NCBI bằng công cụ Blast N cho thấy trình tự 16S rRNA của chủng 6T3 có độ dài 1399 nucleotides có độ tương đồng 100% với chủng Stenotrophomonas maltophilia strain BBL-M2-2 (accession number: MT790729.1), do đó chủng này được phân loại thuộc loài Stenotrophomonas maltophilia. Trình tự 16S rRNA của chủng CT3 có độ dài 1388 nucleotides có tương đồng 100% với loài Burkholderia sp. Strian: Isyb41 (accession number: KY678896.1) thuộc chi Burkholderia, do đó chủng này được phân loại thuộc Burkholderia sp. Tiếp theo, trình tự 16S rRNA của chủng S22 có độ dài 1369 nucleotides có tương đồng 100% với loài Paenibacillus peoriae strain AIPE2 (accession number: MW241598.1) thuộc chi Paenibacillus, do đó chủng này được phân loại thuộc loài Paenibacillus peoriae; (4) Kết quả thử nghiệm chế phẩm với công thức 1 là chủng Burkholderia sp., công thức 2 là chủng Burkholderia sp. kết hợp với chủng Paenibacillus peoriae cho thấy: Sau 90 ngày xử lý, bắt đầu nhận biết được sự giảm của tỉ lệ bệnh, cũng như thấy được hiệu quả phòng trừ của các công thức so với mẫu đối chứng không xử lý. Cụ thể công thức 1 tỉ lệ bệnh giảm xuống còn 11.1% tương ứng với hiệu quả phòng trừ đạt 85.7%; đối chứng hóa học và công thức 2 tỉ lệ bệnh giảm xuống còn 22.2% tương ứng với hiệu quả phòng trừ đạt 71.4%. 

Sau quá trình thực hiện đề tài, chủ nhiệm và các thành viên nghiên cứu đã công bố 01 bài báo khoa học trên tạp chí Đại học Huế, 01 chuyên đề nghiên cứu sinh. Các sản phẩm ứng dụng gồm: (1) Phân lập và định danh bằng phương pháp sinh học phân tử 03 chủng vi sinh vật đối kháng mạnh với nấm bệnh Phytophthora sp.; (2) 50 kg chế phẩm sinh học.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu ghi nhận kết quả nghiên cứu đồng thời cũng chỉ ra một số lỗi hình thức, thuật ngữ, cấu trúc báo cáo… nên cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện báo cáo.

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí với các nhận xét, đánh giá của phản biện và các thành viên Hội đồng; đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng nghiệm thu để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng đề tài.

Kết quả đánh giá xếp loại của đề tài: Đạt

Hình ảnh tại buổi nghiệm thu

Tiếng Việt