Nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ mã số CT-2018-DHH-06

Ngày 21/03/2021, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (Viện) tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio sp. nhằm phòng trị bệnh trên tôm, cá”, mã số: CT-2018-DHH-06 do TS. Nguyễn Đức Huy làm chủ nhiệm, Viện CNSH, Đại học Huế là đơn vị thực hiện.

Tại buổi nghiệm thu, TS. Nguyễn Đức Huy– đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt quá trình nghiên cứu, một số kết quả chính của đề tài như: phân lập được 27 chủng vi khuẩn lactic, trong đó, 22 chủng vi khuẩn có hoạt tính kháng khuẩn cao; kết quả định danh phân tử cho thấy chủng vi khuẩn thuộc 2 nhóm chính là Weissella cibariaLactococcus garvieae, chủng phân lập từ thực phẩm lên men thuộc Pediococcus pentosaceusLactobacillus farciminis; dữ liệu nucleotide của các chủng đã được đăng ký trên ngân hàng gen thế giới Genbank; nghiên cứu sâu hơn cho kết quả chủng W. cibaria HN05 và P. pentosaceus HN10 ức chế mạnh tập đoàn vi khuẩn Vibrio sp.. Dựa trên kết quả thu được, chủng W. cibaria HN05 đã được sử dụng để tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio và thử nghiệm trên mô hình tôm, cá nuôi; chế phẩm sinh học chứa chủng vi khuẩn đối kháng W. cibaria HN05 cho hiệu quả phòng trị bệnh tốt trên đối tượng tôm thẻ chân trắng và cá chẽm, tăng khả năng đề kháng V. parahaemolyticus chứa các gen gây độc. Sau quá trình thực hiện đề tài, chủ nhiệm và các thành viên nghiên cứu đã công bố 01 bài báo đăng trên tạp chí khoa học Đại học Huế, 01 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI; đào tạo 01 kỹ sư Công nghệ sinh học và 01 kỹ sư Thủy sản. Sản phẩm ứng dụng từ đề tài có: chế phẩm vi sinh W. cibaria đối kháng vi khuẩn gây bệnh Vibrio sp. phòng trị bệnh trên tôm, cá; 01 quy trình tạo chế phẩm vi sinh W. cibaria đối kháng vi khuẩn Vibrio sp. gây bệnh trên tôm, cá; 01 quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh W. cibaria đối kháng vi khuẩn Vibrio sp. gây bệnh trên tôm, cá.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu ghi nhận kết quả nghiên cứu đồng thời cũng chỉ ra một số lỗi hình thức, thuật ngữ, cấu trúc báo cáo… nên cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện báo cáo.

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, PGS. TS. Nguyễn Duy Quỳnh Trâm – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí với các nhận xét, đánh giá của phản biện và các thành viên Hội đồng; đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng nghiệm thu để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng đề tài.

Kết quả đánh giá xếp loại của đề tài: Đạt

Hình ảnh tại buổi nghiệm thu:

TS. Nguyễn Đức Huy báo cáo tại buổi nghiệm thu đề tài

 

Tiếng Việt