Hội nghị đầu bờ về kỹ thuật trồng thâm canh cây rau má theo tiêu chuẩn hữu cơ thuộc Đề tài KH&CN cấp tỉnh mã số TTH.2020-KC.09

        Ngày 15/4/2024, hội nghị đầu bờ cho hợp tác xã, nông dân và cán bộ nông nghiệp địa phương về kỹ thuật trồng thâm canh cây rau má theo tiêu chuẩn hữu cơ, thuộc Đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống cây rau má tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”, mã số TTH.2020-KC.09 do PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải làm chủ nhiệm, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế là đơn vị chủ trì.

        Tại hội trường nhà văn hóa xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội nghị đầu bờ vui mừng khi có sự hiện diện của ông Trần Phúc – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Thọ; ông Nguyễn Văn Chơn – Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; ông Nguyễn Đình Châu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điền; ông Nguyễn Lương Trí – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2 cùng hơn 40 đại biểu là người dân trồng rau má, các đơn vị quản lý về nông nghiệp ở địa phương cùng tham dự Hội nghị. Chủ trì hội nghị là PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải- Chủ nhiệm cùng các thành viên đề tài, chuyên viên phụ trách khoa học và công nghệ Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế.

         Trong hội nghị đầu bờ, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Chủ nhiệm đã phát biểu và trao đổi về những kết quả đạt được của đề tài. TS. Nguyễn Quang Cơ – thành viên đề tài đã báo cáo và giới thiệu 01 mô hình trồng thử nghiệm, chăm sóc cây rau má hữu cơ (1 ha) và các quy trình sản xuất giống rau má.

         Thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Lương Trí – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2 cho biết Hợp tác xã Quảng Thọ 2 hiện nay đang có 1,5 ha diện tích đất trồng rau má hữu cơ, trong đó 1 ha là từ đề tài do Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế là đơn vị chủ trì. Quy trình trồng rau má hữu cơ là một hướng đi mới so với quy trình VietGAP trước đây trên địa bàn xã Quảng Thọ. Quá trình tạo sản phẩm hữu cơ cần sử dụng các loại phân bón vi sinh, phân chuồng và tuyệt đối không dùng phân hóa học, vì vậy bà con cần tuân thủ nghiêm ngặt để tạo ra các sản phẩm tốt nhất. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình hữu cơ này, bà con vẫn gặp nhiều khó khăn đó là: tốn nhiều công để làm cỏ và hàng rào bao xung quanh; cần tìm hiểu để sử dụng các loại phân bón hữu cơ; giá trị của rau má hữu cơ bán ra thị trường hiện nay còn ngang bằng với giá bán rau má không hữu cơ, điều này khiến bà con nông dân dễ nản chí. Do đó, mô hình rau má hữu cơ thuộc đề tài KH&CN mã số TTH.2020-KC.09 cần nhanh chóng được chứng nhận và tạo thương hiệu để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm rau má của địa phương.

        Ông Nguyễn Lương Bảo – đại điện hộ nông dân tham gia xây dựng mô hình trồng rau má hữu cơ tại xã Quảng Thọ cho biết mô hình trồng rau má hữu cơ được xây dựng sẽ góp phần nâng cao nhận thức về canh tác rau sạch đối với người nông dân. Mặc dù, quá trình trồng rau má hữu cơ đòi hỏi nhiều công sức làm cỏ, bón phân hữu cơ và sử dụng thêm các biện pháp sinh học đi kèm. Tuy nhiên, lợi ích mang lại từ quá trình canh tác hữu cơ sẽ làm hạn chế tình trạng đất bị chai hóa và sâu bệnh hại sớm được phát hiện.

        Ông Nguyễn Văn Chơn – Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đồng ý với các nội dung báo cáo của đề tài TTH.2020-KC.09, quy trình công nghệ nhân giống và kỹ thuật thâm canh cây rau má từ đề tài hỗ trợ thêm cho bà con nông dân trồng cây rau má theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo tuân thủ quy trình bón các loại thuốc, khuyến khích tăng cường sử dụng thuốc sinh học được phép lưu hành trên thị trường. Đồng thời, ông cũng khuyến nghị bà con nông dân cần phải vững lòng tin và bám sát các quy trình, hướng dẫn để thực hiện.

         Ông Nguyễn Đình Châu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điền cũng có những thảo luận thêm về tình hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn huyện Quảng Điền. Đặc biệt, lãnh đạo huyện Quảng Điền rất quan tâm đến việc tạo các sản phẩm hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ để gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển kinh tế địa phương trong thời gian tới. Việc một mô hình được công nhận hữu cơ là rất khó, song nếu được công nhận quy trình thì đây là nền tảng để phát triển giá trị sản phẩm và tăng nguồn thu cho kinh tế địa phương. Vì thế, ông cũng hi vọng sẽ có nhiều mô hình hữu cơ được triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vừa dựa vào kinh nghiệm của người nông dân cũng như thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học để tạo nên một tương lai tươi sáng cho nền nông nghiệp hữu cơ.

         PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế, chủ trì hội nghị trân trọng cảm ơn các ý kiến thảo luận và đóng góp chân thành của bà con nông dân và đại biểu tham dự hôm nay. Nhóm nghiên cứu sẽ cố gắng hoàn thiện sớm quy trình và hoàn thành việc công nhận quy trình kỹ thuật trồng thâm canh cây rau má theo tiêu chuẩn hữu cơ để góp phần nâng cao thương hiệu cây trồng hữu cơ tại địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế.

        Một số hình ảnh tại hội nghị ngày 15/4/2024 như sau:

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải– Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại Hội nghị đầu bờ

TS. Nguyễn Quang Cơ giới thiệu mô hình trồng thử nghiệm, chăm sóc cây rau má hữu cơ và các quy trình sản xuất giống rau má

Ông Nguyễn Lương Trí – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2 trao đổi tại hội nghị

Ông Nguyễn Văn Chơn – Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế thảo luận tại hội nghị

Ông Nguyễn Đình Châu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điền thảo luận tại hội nghị

Đại biểu tham dự Hội nghị đầu bờ Đề tài KH&CN cấp tỉnh mã số TTH.2020-KC.09

Đại biểu Hội nghị tham quan mô hình trồng rau má hữu cơ (1 ha) tại xã Quảng Thọ của Đề tài KH&CN cấp tỉnh mã số TTH.2020-KC.09.

Tiếng Việt