Thông tin tìm hiểu về công bố khoa học quốc tế

Có công bố khoa học quốc tế, nhất là công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, đang là yêu cầu bắt  buộc đối với các ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS; các cán bộ giảng viên chủ trì đề tài KH&CN các cấp; các nghiên cứu sinh,… Nhằm giúp cho cán bộ, giảng viên nắm được cơ bản về công bố khoa học quốc tế, Ban KHCN&QHQT Đại học Huế tập hợp, biên tập và giới thiệu một số thông tin dưới dạng các câu hỏi thường gặp (FAQ) dưới đây. Một vài thông tin có thể chưa đầy đủ và chuẩn xác, chúng tôi rất mong nhận được phản hồi của quý thầy cô, anh chị qua email bkhcn@hueuni.edu.vn hoặc pklieu@hueuni.edu.vn.

Hỏi: Thế nào là tạp chí khoa học quốc tế có uy tín?

Trả lời: Uy tín cuả tạp chí khoa học liên quan đến chất lượng khoa học của tạp chí đó, thường được đánh giá qua một hay một số tiêu chí (ví dụ quy trình xuất bản, chất lượng nội dung các bài báo, số lượng trích dẫn, danh tiếng của ban biên tập, danh tiếng của nhà xuất bản,…). Tùy theo quan điểm, mục đích của tổ chức, tiêu chí đánh giá có thể khác nhau và do đó chất lượng, uy tín của tạp chí có thể khác nhau.

Hiện nay, có sự thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng khoa học quốc tế tạp chí khoa học uy tín là các tạp chí được chỉ mục trong danh mục Scopus và danh mục Web of Science Core Collection (WoS, trước đây thường biết với tên gọi phổ biến là ISI).

Ở Việt Nam, với mục đích tính điểm quy đổi để đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/12/2018 của Thủ thướng Chính phú thì tạp chí khoa học quốc tế có uy tín là những tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN thuộc danh mục trong Web of Science (ISI), danh mục Scopus hoặc danh mục quốc tế khác do Hội đồng Giáo sư nhà nước quyết định (xem Phụ lục 1 của Quyết định 37). Danh mục cụ thể sẽ do các Hội đồng GS ngành, liên ngành công bố hàng năm.

Theo Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), tạp chí quốc tế có uy tín được quy định cụ thể và khác nhau đối với 2 nhóm lĩnh vực Khoa học tự nhiên-kỹ thuật và Khoa học xã hội-nhân văn. Ví dụ, hiện tại, đối với lĩnh vực Khoa học tự nhiên-kỹ thuật thì đó là 6940 tạp chí thuộc nhóm Q1, Q2, Q3 của danh mục SCIE trong WoS theo từng chuyên ngành (xem Quyêt định số 151/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 09/8/2019); đối với lĩnh vực Khoa học xã hội-nhân văn là tạp chí thuộc danh mục AHCI, SSCI của WoS, tạp chí thuộc danh mục Scopus và tạp chí thuộc các nhà xuất bản uy tín thế giới với danh sách cụ thể (xem Quyêt định số 251/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 11/12/2019).

Hỏi: Danh mục WoS là gì?

Trả lời: WoS là viết tắt của Web of Science, cơ sở dữ liệu (CSDL) trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate Analytics (Mỹ). Nguyên CSDL này được sáng lập năm 1956 bởi Viện Thông tin Khoa học (Institute of Scientific Information), nên một thời gian dài được biết dưới tên gọi là ISI. Năm 1992, Thomson Science (sau này là Thomson Reuters) mua lại ISI (nên còn có tên là Thomson ISI) và đến năm 2016, Thomson Reuters bán lại cho Clarivate Analytics.

Phần lõi của WoS (WoS Core Collection) bao gồm dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học, sách và kỷ yếu hội thảo.

Đối với tạp chí, hiện nay (2020) dữ liệu trích dẫn bao gồm khoảng 22.000 tạp chí của hơn 250 ngành khoa học, phân thành 04 nhóm (thường gọi là danh mục):

– Science Citation Index Expanded (SCIE) với hơn 9.200 tạp chí của khoảng 150 ngành, xuất bản từ 1990 đến nay.

– Social Sciences Citation Index (SSCI) với hơn 3.400 tạp chí của các ngành khoa học xã hội, xuất bản từ 1900 đến nay.

– Arts & Humanities Citation Index (AHCI hay A&HCI) với hơn 1.800 tạp chí các ngành nhân văn và nghệ thuật, xuất bản từ 1975.

– Emerging Sources Citation Index (ESCI) với hơn 7.800 tạp chí của tất cả các ngành khoa học (đây là các tạp chí “dự bị” để xét chọn vào 3 danh mục trên khi đủ điều kiện về chất lượng).

Chú ý:

– Thời gian đầu, ISI chỉ gồm các tạp chí khoa học tự nhiên và kỹ thuật (danh mục SCI, SCIE), sau này WoS đã bổ sung thêm các danh mục tạp chí khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật.

– Ban đầu ISI và sau này WoS phân biệt 2 danh mục SCI và SCIE (SCI là một phần trong SCIE).  Chất lượng tạp chí trong 2 danh mục này là như nhau, chỉ khác là các tạp chí SCI chưa có dữ liệu trực tuyến mà chỉ có dữ liệu lưu trên đĩa CD, DVD. Tuy nhiên, từ 2019, do tất cả tạp chí đã có dữ liệu trực tuyến và để trành sự hiểu nhầm nên Clarivate chỉ giữ lại tên SCIE mà không còn dùng tên SCI nữa.

(Nguồn: https://clarivate.com/webofsciencegroup/solutions/web-of-science-core-collection/)

Hỏi: Danh mục Scopus là gì?

Trả lời: Danh mục Scopus là CSDL trích dẫn và tóm tắt các ấn phẩm khoa học được tuyển chọn và quản lý bởi Elsevier (Hà Lan), được thành lập từ năm 2004 (muộn hơn ISI/WoS).

CSDL Scopus bao gồm các loại ấn phẩm xuất bản nhiều kỳ (serial publications) có ISSN như tạp chí, chuỗi sách, chuỗi kỷ yếu và các ấn phẩm không xuất bản nhiều kỳ (non-serial publications) có chỉ số ISBN như sách hay kỷ yếu ra một lần.

Tính đến 1/2020, Scopus bao gồm trên 25.100 đầu ấn phẩm nhiều kỳ, trong đó khoảng 23.500 tạp chí có phản biện và hơn 850 chuỗi sách. Tổng số bản ghi là trên 77 triệu, trong đó 67,5% xuât bản sau năm 1996 và 32,5% xuất bản trước 1995.

Scopus không tách riêng các nhóm danh mục như WoS, nhưng phân loại các ấn phẩm theo 4 nhóm lĩnh vực gồm : Khoa học sự sống (Life sciences), Khoa học vật lý (Physical sciences), Khoa học sức khỏe (Health sciences) và Khoa học xã hội & nhân văn (Social sciences & Humanities). Dưới nữa, các ấn phẩm lại được phân thành 27 ngành và hơn 300 chuyên ngành. Trong số 25.100 đầu ấn phẩm có đến 1/2020, tỷ lệ phân bố theo các nhóm lĩnh vực đã nêu theo thứ tự là 15,4% ; 28% ; 30,4% và 26,2%.

Ngoài việc bao gồm nhiều ấn phẩm thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hơn WoS, Scopus còn có ưu điểm cung cấp nhiều chức năng tra cứu rất tiện cho người dùng cho nhiều mục đích khác nhau, từ tra cứu tài liệu đến đánh giá công bố khoa học của cá nhân và các cơ sở giáo dục đại học. Trong khi WoS rất hạn chế tra cứu miễn phí thì Scopus cho tra cứu miễn phí khá nhiều thông tin.

(Nguồn: https://www.elsevier.com/?a=69451).

Hỏi: Làm thế nào để biết một tạp chí khoa học có thuộc danh mục Scopus hoặc WoS không?

Trả lời: Cách đơn giản và tin cậy nhất là tra cứu trực tiếp trên các website sau đây :

– Đối với WoS: https://mjl.clarivate.com/

– Đối với Scopus: https://www.scimagojr.com/

Ở ô tìm kiếm, nhập thông tin tạp chí hoặc là chỉ số ISSN hoặc đầy đủ của tên tạp chí.

Chú ý :

– Khi tra cứu đối với WoS, kết quả hiển thị ban đầu chỉ mới gồm thông tin thuộc nhóm danh mục nào (SCIE, SSCI, AHCI, ESCI). Muốn biết thêm chi tiết như chỉ số IF thì phải chọn View profile page và đăng nhập bằng tài khoản cá nhân (tạo miễn phí).

– Với Scopus, khi tra trên trang SCImago, kết quả ban đều chỉ hiển thị tên tạp chí, khi click vào tên sẽ hiện đầy đủ thông tin khác (H-index, CiteScore, Q,…). Đặc biệt, cần chú ý mục “Coverage”, vì thông tin này cho biết liệu tạp chí có còn nằm trong danh mục Scopus nữa hay không hay đã bị đưa ra từ năm nào.

Trường hợp muốn có danh mục sẵn trong máy tính đề tra cứu, có thể tải về các danh mục từ các webssite :

– Đối với WoS: https://mjl.clarivate.com/collection-list-downloads (cần đăng nhập với tài khoản cá nahan)

– Đới với Scopus: https://www.scopus.com/home.uri (Mục Scopus content >> Scopus source list)

Hỏi: Một tạp chí khoa học có thể vừa thuộc danh mục Scopus, vừa thuộc danh mục WoS không?

Trả lời: Dĩ nhiên là có thể. Theo một thống kê năm 2019, tính trên toàn bộ CSDL, có 49% số tạp chí vừa thuộc Scopus vừa thuộc WoS. Số còn lại, hoặc chỉ thuộc Scopus mà không thuộc WoS và ngược lại. Tỷ lệ trùng nhau và biệt lập giữa 2 danh mục khác nhau tùy theo lĩnh vực khoa học, ví dụ:

Nhóm lĩnh vực Chỉ thuộc Scopus Thuộc cả Scopus và WoS Chỉ thuộc WoS
Natural Sciences & Engineering 35% 49% 16%
Biomedical Research 49% 43% 8%
Social Sciences 27% 50% 23%
Arts & Humanities 22% 49% 29%

(Nguồn: Simona Tabacaru, April, 2019:

https://oaktrust.library.tamu.edu/bitstream/handle/1969.1/175137/Web%20of%20Science%20versus%20Scopus%20Report%202019.pdf?sequence=4&isAllowed=y)

Hỏi: Các tạp chí trong danh mục WoS và Scopus chỉ xuất bản bằng tiếng Anh hay còn có ngôn ngữ nào khác?

Trả lời: Cả trong danh mục WoS và Scopus, ngoài tiếng Anh thì vẫn có các tạp chí xuất bản bằng ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung,… Một thống kê tháng 4/2029 (Simona Tabacaru, nguồn theo link có ở trên) cho thấy Scopus có khoảng 22% tạp chí không phải tiếng Anh. Tuy nhiên, khi xuất bản bằng tiếng khác thì tóm tắt buộc phải bằng tiếng Anh.

Một ví dụ, tạp chí “Chinese as a Second Language Research” (e-ISSN: 2193-2271, p-ISSN: 2193-2263) đăng cả bài viết bằng tiếng Anh và bằng tiếng Trung. Tạp chí này thuộc Scopus từ 2017 đến nay.

Hỏi: Chỉ số ISSN, ISBN là gì ?

Trả lời: ISSN (International Standard Serial Number) là mã số tiêu chuẩn quốc tế, dưới dạng một dãy số gồm tám chữ số được dùng để nhận dạng một ấn phẩm xuất bản nhiều kỳ như tạp chí, báo, bản tin, chuỗi sách, chuỗi kỷ yếu hội thảo, ….Nhiều xuất bản phẩm có ở cả hai dạng in và điện tử nên được ISSN cũng có hai loại là ISSN in (ISSN, p-ISSN) và ISSN điện tử (e-ISSN hay eISSN). Ví dụ, Tạp chí Khoa học Đại học Huế : Khoa học Tự nhiên có ISSN 1859-1388 và e-ISSN 2615-9678. Hệ thống ISSN được xây dựng như một tiêu chuẩn quốc tế ISO vào năm 1971 và được ấn hành với tên gọi ISO 3297 vào năm 1975, do Tiểu ban ISO TC 46/SC 9 quản lý.

ISBN (International Standard Book Number) là mã số chuẩn quốc tế để nhận dạng một cuốn sách. Hệ thống ISBN được tạo ở Anh năm 1966, sau đó được công nhận quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 2108 năm 1970. ISBN có thể có 10 ký tự  sô (kiểu cũ) hoặc 13 ký tự số (kiểu mới, áp dụng với mã vạch). Ví dụ, một cuốn sách của Nhà xuất bản Đại học Huế có mã ISBN 978-604-974-342-9.

ISSN và ISBN giống nhau về mặt ý tưởng, chỉ khác ở đối tượng nhận diện. Đi kèm với ISSN áp dụng cho toàn bộ xuất bản phẩm nhiều kỳ thì ISBN cũng có thể được cấp cho một kỳ cụ thể của xuất bản phẩm đó.

Chỉ số ISSN của một tạp chí, chỉ số ISBN của một cuốn sách chỉ là mã nhận dạng cho tạp chí hay cuốn sách mà không liên quan và phản ánh chất lượng khoa học của tạp chí hay cuốn sách.

Hỏi: Chỉ số IF và CiteScore là gì, giống nhau và khác nhau thế nào?

Trả lời: Cả WoS và Scopus đều đánh giá và xếp loại chất lượng tạp chí khoa học thông qua số lượng trích dẫn của các bài báo đăng trên tạp chí. WoS sử dụng chỉ số IF (Impact factor, chỉ số ảnh hưởng) còn Scopus thì dùng chỉ số CiteScore (điểm trích dẫn). Như vậy IF và CiteScore đều là 2 chỉ số có bản chất như nhau để đo mức độ ảnh hưởng của tạp chí thông qua trích dẫn; là số trích dẫn trung bình tính trên 1 bài báo của tạp chí trong 1 khoảng thời gian xác định (lấy tổng số trích dẫn của các bài báo của tạp chí chia cho tổng số bài báo trong khoảng thời gian tính). Đúng ra đơn vị của IF và CiteScore là số trích dẫn/bài báo. Khi so giữa các tạp chí trong cùng danh mục, tạp chí nào có IF hay CiteScore càng lớn thì ảnh hưởng hay uy tín càng cao.

Tuy nhiên, IF và CiteScore khác nhau ở một số điểm:

+ IF được tính từ CSDL tạp chí Web of Science (WoS) của Clarivate Analytics còn CiteScore được tính từ CSDL tạp chí Scopus của Elsevier. Hai dữ liệu này khác nhau về quy mô. Do đó, có tạp chí có CiteScore nhưng không có IF (do có tên trong Scopus nhưng không có trong WoS) và ngược lại.

+ IF có từ 1975 nhưng CiteScore thì mới có từ năm 2016.

+ IF tính trung bình cho khoảng thời gian 2 năm trong khi CiteScore (trước đây) thì tính trung bình cho thời gian 3 năm, đặc biệt CiteScore 2019 lại tính cho 4 năm (2016-2019).

+ Giá trị IF và CiteScore của một tạp chí (có tên trong cả WoS và Scopus) sẽ không giống nhau. Khi so sánh giữa các tạp chí thì chỉ được so sánh hoặc theo IF hoặc theo CiteScore mà không thể so sánh ngang giữa IF và CiteScore được (thậm chí có trường hợp cho kết quả ngược nhau). Ví dụ :

Tạp chí New England Journal of Medicine Nature Reviews Materials
IF năm 2019 74,699 71,189
CiteScore 2019 66,1 123,7

Trên trang Clarivate (https://mjl.clarivate.com/home) muốn tra IF phải đăng nhập bằng tài khoản, còn trên trang Scopus (https://www.scopus.com/sources) có thể tra CiteScore trực tiếp không cần đăng nhập tài khoản. Tuy nhiên, thường trên trang chủ các tạp chí có cả thông tin IF và CiteScore, hoặc có nhiều trang tra cứu cho phép tra đồng thời cả IF và CiteScore.

Hỏi: Phân hạng tạp chí Q1, Q2, Q3, Q4 là gì?

Trả lời: Số trích dẫn, và theo đó là IF của WoS hay CiteScore của Scopus, rất khác biệt giữa các lĩnh vực, các ngành khoa học. Ví dụ, một thống kê cho thấy bài báo ngành toán có được trích dẫn mười lần là tương đương một bài trong ngành vật lý được trích dẫn khoảng ba chục lần hay một bài trong ngành khoa học sự sống được trích dẫn khoảng sáu chục lần. Do đó, việc so sánh IF hay CiteScore giữa các tạp chí chỉ có ý nghĩa trong từng ngành, từng lĩnh vực khoa học.

Nếu xếp các tạp chí thuộc cùng một ngành/lĩnh vực trong danh mục WoS (hay Scopus) theo chỉ số IF (hay CiteScore) từ cao xuống thấp, thì ứng với các tứ phân vị (quartile) sẽ phân thành 4 hạng:

– Q1 : các tạp chí có IF (hay CiteScore) thuộc top 25%

– Q2: các tạp chí có IF (hay CiteScore) thuộc nhóm 25 – 50%

– Q3: các tạp chí có IF (hay CiteScore) thuộc nhóm 50 – 75%

– Q4: các tạp chí có IF (hay CiteScore) thuộc nhóm 75 – 100%.

Các tạp chí khoa học danh tiếng trong một ngành/lĩnh vực chiếm hầu hết hạng Q1.

Do IF và CiteScore khác nhau, nên hạng Q của một tạp chí ở WoS không nhất thiết trùng với hạng Q của tạp chí đó ở Scopus.

Đối với WoS, không thể tra được hạng Q của tạp chí trên trang https://mjl.clarivate.com/ bằng tài khoản miễn phí, nhưng với Scopus thì hoàn toàn có thể tra cứu trực tiếp không cần tài khoản từ trang SCImago https://www.scimagojr.com/.

Hỏi: Thế nào là tạp chí khoa học dỏm và cách nhận biết?

Trả lời: Trước nhu cầu công bố khoa học quốc tế gia tăng mạnh, lợi nhuận hấp dẫn của việc xuất bản tạp chí khoa học và xu thế xuất bản trực tuyến, đã xuất hiện các tạp chí khoa học với danh nghĩa “quốc tế” có phí xuất bản rẻ, thời gian xuất bản ngắn nhưng chất lượng thấp. Cộng đồng khoa học gọi các tạp chí này là “predatory journal” – tạm dịch là tạp chí dỏm hay tạp chí ngụy tạo.

Theo GS. Nguyễn Văn Tuấn từ Úc (xem tại đây), các dấu hiệu để nhận diện tạp chí khoa học dỏm là:

(1). Không có cơ quản chủ quản (thường là các hiệp hội chuyên ngành hoặc trường đại học, viện nghiên cứu).

(2). Tên tạp chí thường chung chung, nghe rất “kêu” hoặc nhái theo tên các tạp chí nổi tiếng (Ví dụ: “Journal of Engineering and Medicine”, “International Journal of Engineering Technology and Scientific Innovation”,…)

(3). Không có tên trong các danh mục WoS, Scopus (GS. Tuấn cho rằng vẫn có một số tạp chí hạng Q3, Q4 của Scopus là tạp chí dỏm).

(4). Tổng Biên tập, thành viên Ban biên tập không có thành tích khoa học tốt, không có tiếng tăm trong lĩnh vực chuyên môn, thường là từ các nước Trung Đông, Ấn Độ, Châu Phi,…

(4). Chất lượng bài báo kém, giá trị khoa học rất thấp, nhiều sai sót do không có phản biện hay có thì rất qua loa để xuất bản nhanh.

(5). Tiếng Anh có nhiều sai sót.

Một số tổ chức, cá nhân đã nỗ lực lập danh sách các tạp chí dỏm để cảnh báo các nhà khoa học. Một trong số đó là “danh sách của Beall” (Beall’s list). Jeffrey Beall là một quản trị viên thư viện tại ĐH Colorado Denver, năm 2010 ông đã thống kê hàng nghìn tạp chí và nhà xuất bản mà ông cho rằng đang lừa dối các tác giả bằng cách thu phí xuất bản nhưng không đi kèm với các quy trình phản biện, biên tập thông thường. Mặc dù năm 2017 Beall đã đóng cửa blog gây tranh cãi của mình do có “sức ép”, nhưng những người khác vẫn tiếp tục duy trì và cập nhật “danh sách của Beall”.

Website “danh sách của Beall” các nhà xuất bản và tạp chí có tiềm năng là dỏm: https://beallslist.net/

(Theo hueuni.edu.vn: http://cdgs.hueuni.edu.vn/news/tim-hieu-ve-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te.html)

 

 

Tiếng Việt