Phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn

TTH – Việc phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn tại Viện Công nghệ sinh học (CNSH), Đại học (ĐH) Huế không chỉ tạo thêm nguồn thu trong bối cảnh tự chủ mà còn góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, sinh viên khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Thực hành kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật tại phòng thí nghiệm

 Mở rộng các chương trình

Từ tháng 8/2018 đến nay, Viện CNSH, ĐH Huế mở rộng nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn theo nhu cầu xã hội, đồng thời hợp tác với các trường ĐH, viện và trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước để đào tạo nhân lực chất lượng cao. So với giai đoạn trước chủ yếu đào tạo ngắn hạn về nuôi cấy mô tế bào thực vật và các kỹ thuật sinh học phân tử, đến nay Viện CNSH đã có 22 nội dung đào tạo ngắn hạn.

Nguyễn Đức Huy, Phó Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế cho biết, chương trình đào tạo khá linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là cán bộ chuyên môn tại các đơn vị liên quan như chi cục, trung tâm kiểm nghiệm, phân tích và ứng dụng CNSH. Thời gian đào tạo tùy thuộc vào nội dung các khóa đào tạo, ngắn nhất là 4 ngày (với nội dung “Quy trình tách chiết và tạo kháng thể từ lòng đỏ trứng gà” và “Hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà an toàn”), tối đa là 2 tháng (Các kỹ thuật sinh học phân tử nâng cao DGGE, chuyển gen, tạo dòng và biểu hiện gen, xác định mức độ biểu hiện gen, chẩn đoán phân tử, các kỹ thuật lai phân tử…).

Để tạo ra hiệu quả, các chương trình đào tạo chỉ tiếp nhận trung bình khoảng 2 – 6 học viên/khóa đào tạo. Điểm đặc biệt là đẩy mạnh tính thực hành hơn, cho học viên thao tác trên các trang thiết bị hiện đại dưới sự hướng dẫn kỹ của các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên của Viện CNSH. “Đây là khác biệt so với nhiều đơn vị khác vì thông thường các máy móc, thiết bị rất đắt tiền và các đơn vị ít cho học viên thử nghiệm thực tế”, TS. Nguyễn Đức Huy phân tích.

Theo đại diện lãnh đạo Viện CNSH, ĐH Huế, trong năm 2019, viện tiếp tục cập nhật, thiết kế chương trình phù hợp với yêu cầu trong nước cũng như tốc độ thay đổi nhanh chóng lĩnh vực CNSH trên thế giới. Dự kiến, sẽ bổ sung thêm khoảng 5 – 10 nội dung đào tạo, đáp ứng theo nhu cầu của người học và các đơn vị trong toàn quốc.

Chuyên gia Viện công nghệ sinh học, ĐH Huế hướng dẫn kỹ thuật cho học viên tại tỉnh Gia Lai

Đào tạo theo nhu cầu

Theo PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế, bên cạnh công tác đào tạo cho các đối tượng cán bộ, học viên, sinh viên trong tỉnh, với chiến lược phát triển Viện CNSH trở thành trung tâm CNSH cấp Quốc gia tại miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trong năm 2018, Viện đang đẩy mạnh nhiều hoạt động cử cán bộ đến đào tạo tại chỗ cho các địa phương có nhu cầu. Trong năm 2018 và đầu năm 2019, Viện tổ chức khá nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn, tập huấn tại các đơn vị thuộc tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Gia Lai, chủ yếu cho cán bộ làm việc trong các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp – môi trường.

Tuy hai đầu đất nước có các đơn vị cùng chức năng, song thuận lợi là Viện có hướng nghiên cứu và đào tạo rộng (nông lâm, ngư nghiệp, thủy sản), trong khi hầu hết các đơn vị khác tập trung về CNSH trong nông nghiệp, CNSH thực vật. Quan trọng hơn, thế mạnh của Viện CNSH, ĐH Huế so với các đơn vị khác là về lĩnh vực thủy sản, thú y, miễn dịch học vắc xin nên có thể mở rộng triển khai đào tạo cho các đơn vị ở nhiều khu vực tỉnh, thành trong cả nước. “Cán bộ của Viện đang triển khai nhiều đề tài nghiên cứu ở các địa phương. Đây là thuận lợi bởi sau khi chuyển giao công nghệ cũng có thể tiến hành lồng ghép đào tạo ngắn hạn, tập huấn và chuyển giao quy trình và công nghệ. Các học viên sau khi hoàn thành các khóa đào tạo có cơ hội được tiếp tục tham gia thực hiện các đề tài, dự án, hướng nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, bộ môn, trung tâm của Viện CNSH hoặc tham gia đề tài, dự án như đơn vị phối hợp của Viện CNSH”, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải nhấn mạnh.

Viện CNSH đang tập trung quảng bá, kết nối với các sở, ban ngành, đơn vị tại các địa phương, đồng thời làm với các trường để tăng cường đầu vào nhằm phát triển các chương trình đào tạo. Trong các chương trình tư vấn tuyển sinh tại Lào sắp tới, sẽ kết nối, hỗ trợ nhằm tăng cường đào tạo ngắn hạn về chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, học viên nước bạn có nhu cầu.

“Trong năm 2018, nguồn thu từ đào tạo ngắn hạn khoảng hơn 150 triệu đồng. Mục tiêu đặt ra cho năm 2019 và các năm tới phấn đấu đạt khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm. Trong bối cảnh tự chủ ĐH và khó khăn của các cơ sở giáo dục, việc tạo thêm nguồn thu từ các dịch vụ đào tạo như thế là rất đáng mừng”, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện Trưởng Viện CNSH, ĐH Huế chia sẻ.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

(Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online, ngày 22/02/2019

Link: http://baothuathienhue.vn/phat-trien-cac-chuong-trinh-dao-tao-ngan-han-a68408.html)

 

 

 

 

 

Tiếng Việt