Ngày 12/8/2022, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (Viện) tổ chức nghiệm thu chính thức đề tài KH&CN cấp Đại học Huế “Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ cho một số loại rau ăn lá từ phụ phẩm cây Chùm ngây”, mã số: DHH2019-15-16 do PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải làm chủ nhiệm, Viện CNSH, Đại học Huế là đơn vị chủ trì.
Tại buổi nghiệm thu, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt quá trình nghiên cứu, một số kết quả chính của đề tài như: (1) xây dựng được quy trình sản xuất phân bón lá hữu cơ từ phế phụ phẩm Chùm ngây và đánh giá được chất lượng phân bón lá qua các thời gian ủ khác nhau. Thời gian ủ 4 tháng cho hàm lượng dinh dưỡng cao nhất; (2) đối với sản xuất phân bón hữu cơ từ Chùm ngây, thời gian ủ 3,5 tháng là phù hợp để có thể sử dụng; (3) thử nghiệm phân bón lá với các nồng độ, liều lượng phun khác nhau cho thấy: công thức sử dụng phân bón lá hữu cơ Chùm ngây với tỉ 1:30 (3) ở rau xà lách đạt trị số cao về số lá (48,67 lá/cây), và chiều dài lá (11,53 cm). Đối với rau cải xanh và mồng tơi, công thức phun phân bón lá hữu cơ chùm ngây tỉ lệ 1:10 (8 và 15) đạt trị số cao số lá (17,53 lá/cây; 18,13 lá/cây), chiều dài lá (30,84 cm; 21,41 cm), chiều rộng lá (17,28 cm; 17,09 cm); (4) về phẩm chất, năng suất: (4.1) các công thức sử dụng phân bón lá hữu cơ Chùm ngây có tỉ lệ phần ăn được trên 50%. Đối với rau xà lách, công thức 3 có năng suất sinh học cao nhất với 35,73 tấn/ha. Kết quả cho thấy năng suất thực thu ở công thức 3 chênh lệch không nhiều so với công thức 6 (24,49 tấn/ha); (4.2) đối với rau cải xanh và mồng tơi, công thức 8 và 15 có năng suất sinh học và năng suất thực thu cao nhất so với các công thức còn lại trong từng loại rau, tương ứng với 37,64 tấn/ha và 28,19 tấn/ha (8); 43,96 tấn/ha và 31,39 tấn/ha (15); (5) so sánh với các loại phân bón lá: phân bón lá từ Chùm ngây cho năng suất và chất lượng rau cải xanh cao hơn so với các loại phân bón lá khác trên thị trường; (6) so sánh phân hữu cơ Chùm ngây với các loại phân hữu cơ khác: lượng phân bón 28 tấn/ha cho năng suất và chất lượng tốt hơn so với lượng bón 14,21 và 35 tấn/ha, thử nghiệm phân bón hữu cơ từ Chùm ngây với các loại phân bón hữu cơ khác trên cây cải xanh cho thấy: sử dụng phân bón hữu cơ Chùm ngây trên cây cải xanh cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn các công thức sử dụng phân bón hữu cơ khác.
Sau quá trình thực hiện đề tài, chủ nhiệm và các thành viên nghiên cứu đã công bố 01 bài báo khoa học đăng tạp chí trong nước; 01 nhãn hiệu hàng hóa được đăng công báo; hướng dẫn 01 sinh viên hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, hỗ trợ 01 nghiên cứu sinh làm đề tài nghiên cứu; các sản phẩm ứng dụng gồm: 10kg phân hữu cơ đảm bảo hoai mục và đạt 60-70% của phân hữu cơ MINORI được sản xuất theo phương thức công nghiệp dùng cho rau có xuất xứ từ Nhật Bản, 10 lít phân bón lá hữu cơ đạt tiêu chuẩn theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT. Đồng thời, đề tài có những tác động tích cực sau: bổ sung nguồn phân bón lá hữu cơ có chất lượng cao; sử dụng nguồn phế phụ phẩm, kĩ thuật sản xuất đơn giản, dễ áp dụng; kết quả của đề tài có khả năng áp dụng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguyên vật liệu dễ kiếm, kĩ thuật đơn giản, sẵn có.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu ghi nhận kết quả nghiên cứu đồng thời cũng chỉ ra một số lỗi hình thức, thuật ngữ, cấu trúc báo cáo… nên cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện báo cáo.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí với các nhận xét, đánh giá của phản biện và các thành viên Hội đồng; đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng nghiệm thu để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng đề tài.
Kết quả đánh giá xếp loại của đề tài: Tốt
Hình ảnh tại buổi nghiệm thu:
Hình ảnh tại buổi nghiệm thu