Ngày 14/11/2019, Viện Công nghệ sinh học (Viện CNSH), Đại học Huế đã tổ chức Hội thảo Công nghệ sinh học năm 2019: “Ứng dụng công nghệ sinh học trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo” đồng thời công bố Kỷ yếu Hội thảo khoa học.
Hội thảo đã đón tiếp gần 100 đại biểu trong nước là các chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên, chuyên viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Đà Nẵng,… Đặc biệt Hội thảo có sự tham dự của nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế chia sẻ: “Ứng dụng Công nghệ sinh học trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, giảng viên, nhà khoa học, các bạn nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên cùng trao đổi, chia sẻ những nghiên cứu, ứng dụng mới nhất của Công nghệ sinh học nhằm hướng tới các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong khoa học và đời sống”. PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải cũng gửi lời cảm ơn đến toàn thể quý đại biểu, các nhà tài trợ, các phóng viên đã đến tham dự và đưa tin về Hội thảo.
PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo cũng vinh dự đón tiếp PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế đến tham dự và phát biểu. PGS.TS. Nguyễn Quang Linh ghi nhận và đánh giá cao những thành quả, nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên Viện CNSH đã đạt được trong thời gian qua, hy vọng Viện CNSH tiếp tục phát huy những tiếp truyền thống tốt đẹp, gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
PGS.TS. Nguyễn Quang Linh phát biểu tại Hội thảo
Với hơn 15 bài báo cáo trình bày cùng nhiều báo cáo treo poster, Hội thảo đã giới thiệu và phân tích làm rõ tầm quan trọng ứng dụng công nghệ sinh học trong nhiều lĩnh vực như: môi trường, y dược, thực vật học. Nghiên cứu “Quản lí nitơ trong đất và nước vì tương lai Trái đất” được trình bày bời GS. Morihiro Maeda, Đại học Okayama, Nhật Bản đã cung cấp cái nhìn tổng quan về vai trò, tầm quan trọng trong việc kiểm soát nguồn nitơ. “Ứng dụng sinh y học của plasma nhiệt độ thấp” của GS.TS. Lê Trần Bình, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam là một trong những nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong không chỉ trong lĩnh vực y dược mà còn có ý nghĩa trong sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thực vật học cũng là chủ đề được các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu đặc biệt lưu tâm đến. Với thành quả từ nghiên cứu “Khai thác và phát triển nguồn gen các giống Sen ở Thừa Thiên Huế”, PGS.TS. Hoàng Thị Kim Hồng, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế đã bảo tồn và triển khai thành công mô hình các giống Sen truyền thống ở Thừa Thiên Huế. Các chủ đề báo cáo đã thu hút sự quan tâm, thảo luận sôi nổi của đại biểu tham dự.
Hội thảo là cầu nối trao đổi chia sẻ học thuật, tăng cường hợp tác – nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trong và ngoài nước; là nơi ươm mầm, tiếp tục xây dựng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu sinh, sinh viên.
Đại biểu tham quan các sản phẩm KHCN của Viện CNSH, ĐH Huế
GS. Morihiro, Đại học Okayama, Nhật Bản trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo
Đại biểu tham dự trao đổi với diễn giả tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm