Gần 2 năm dày công nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio nhằm phòng trị bệnh trên tôm, cá, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học (CNSH), Đại học (ĐH) Huế đã cho ra đời chế phẩm Wesialla nhiều triển vọng.
Nhóm nghiên cứu của Viện CNSH, ĐH Huế nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio nhằm phòng trị bệnh trên tôm, cá
Từ trăn trở tại địa phương
Giữa tháng 11/2020, lễ trao giải hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2020 xướng tên nhóm nghiên cứu của Viện CNSH, ĐH Huế. Đáng chú ý, với công trình nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio nhằm phòng trị bệnh trên tôm, cá, các nhà khoa học đã cho ra đời chế phẩm Wesialla.
Chế phẩm Wesialla là sản phẩm ứng dụng từ nghiên cứu phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản. Không giống với những sản phẩm có trên thị trường, chế phẩm Wesialla được nghiên cứu trên tôm nuôi tại Huế từ đó điều chế chế phẩm trị bệnh trên tôm nuôi của địa phương.
TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế cho biết, nuôi trồng thủy sản đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, bệnh trên tôm nuôi tại tỉnh nhà đang có xu hướng gia tăng. Nửa đầu năm 2020, thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường ô nhiễm nên nhiều diện tích nuôi tôm tại Huế bị ảnh hưởng lớn.
“Vi khuẩn thuộc chi Vibrio là những vi khuẩn gram âm sống trong nhiều môi trường khác nhau. Nhiều loài trong số đó gây bệnh cho người và động vật, trong đó có tôm. Kiểm soát Vibrio đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển bền vững và an toàn của nghề nuôi tôm. Giải pháp đối kháng sinh học sử dụng các chế phẩm sinh học hiện được nhiều công ty và hộ nuôi tôm sử dụng. Hiệu quả của chế phẩm phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó đóng vai trò quan trọng là tính thích nghi với điều kiện ao nuôi ở địa phương cũng như hoạt lực đối kháng mạnh và có tác dụng lâu”, TS. Nguyễn Đức Huy phân tích.
Từ nhu cầu thực tiễn và cơ sở khoa học, nhóm nghiên cứu Viện CNSH đã thu mẫu, tiến hành thực hiện nghiên cứu, tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio thông qua phân lập và chọn lọc các chủng vi sinh vật bản địa vừa đối kháng mạnh với Vibrio vừa an toàn cho tôm nhằm thực hiện hóa mục tiêu sản xuất chế phẩm có khả năng áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
“Trước đây, người nuôi tôm mua chế phẩm chủ yếu của các công ty nước ngoài hoặc các địa phương khác để áp dụng lên con tôm của Huế. Song với hướng nghiên cứu này, chế phẩm Wesialla sẽ giải quyết được nỗi lo của người nuôi tôm tại địa phương”, đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định.
Ban giám khảo hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh cho biết, một trong những điểm công trình của nhóm nghiên cứu Viện CNSH được đánh giá cao là có sản phẩm từ nghiên cứu và sản phẩm ấy giải quyết được vấn đề của địa phương.
Tiềm năng thương mại hóa
PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế cho rằng, công trình nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio phòng trị bệnh trên tôm, cá có tính mới và sáng tạo cao. Công trình thành công trong phân lập và chọn lọc được chủng probiotic Weissella cibaria từ hệ tiêu hóa của tôm có khả năng đối kháng mạnh nhóm Vibrio, gây một số bệnh như gan tụy cấp tính ở tôm giai đoạn ương giống. Đây là kết quả nghiên cứu đầu tiên về Weissella cibaria từ hệ tiêu hóa tôm.
“Điều ấn tượng, kết quả của nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI”, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải cho biết.
Theo ThS. Trần Thúy Lan, thành viên nhóm nghiên cứu, với đặc điểm hoàn toàn không chứa các phụ gia hay các yếu tố gây hại cho môi trường, dễ dàng sản xuất ở các quy mô khác nhau nên dễ áp dụng ở quy mô lớn ở hộ gia đình hoặc trang trại lớn.
Đại diện Viện CNSH, ĐH Huế tiết lộ, qua thử nghiệm, sử dụng chế phẩm ở mô hình nuôi cho thấy sự tăng trưởng tốt của tôm so với các mô hình không bổ sung cũng như cảm nhiễm Vibrio. Kết quả này chứng minh khả năng thay thế các chế phẩm ngoại nhập của chế phẩm, góp phần giúp phòng trừ các bệnh Vibrio trên tôm, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, giúp phát triển nghề nuôi tôm bền vững, thân thiện với môi trường.
“Những đặc điểm đó khiến chế phẩm Wesialla có tiềm năng thương mại hóa cao”, TS. Nguyễn Đức Huy nhận định.
Theo đại diện Viện CNSH, ĐH Huế, để phát triển ra thị trường, sắp tới, sẽ tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký sở hữu trí tuệ cho chế phẩm.
“Nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio sp. nhằm phòng trị bệnh trên tôm, cá” là một trong những công trình thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng CNSH để tạo sản phẩm sử dụng trong phòng trị một số bệnh ở tôm, cá nuôi tại Thừa Thiên Huế”.
Đến nay, các sản phẩm ứng dụng ra đời từ các nghiên cứu là: “Kit chẩn đoán vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus”; “Kháng thể Vibfish phòng trị bệnh xuất huyết lở loét do vi khuẩn Vibrio gây ra ở cá”; “Chế phẩm Wesialla phòng trị bệnh do Vibrio sp.”; “Chế phẩm kháng thể phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm (Anti-AHPND)”; “HU-GANTOMIX thảo dược công nghệ mới, tăng cường chức năng gan tôm, cá” và “AHPND – multiplex PCR kit”. Công trình “Nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio sp. nhằm phòng trị bệnh trên tôm, cá” đạt giải Khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ X – năm 2020”.
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)