Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế đẩy mạnh xử lý môi trường thông qua tái tạo nguyên liệu từ phụ phẩm cây Chùm ngây

Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (Viện) được thành lập năm 2014, là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ trong mô hình đại học. Song song với hoạt động chính về đào tạo và liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ trong sinh học, công nghệ sinh học và các lĩnh vực liên quan với các đơn vị trong và ngoài Đại học Huế để cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao cho xã hội; công tác nghiên cứu khoa học là mảng hoạt động nổi bật luôn được đơn vị chú tâm, thúc đẩy tạo điều kiện phát triển và không ngừng gặt hái những kết quả khả quan, có ý nghĩa trong khoa học cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội gắn liền bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Một trong những nghiên cứu hiện nay mang tính ứng dụng cao đi đôi với giải pháp thân thiện với môi trường đang được thực hiện tại Viện là “Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ cho một số loại rau ăn lá từ phụ phẩm cây Chùm ngây”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Huế được phê duyệt năm 2019 do PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế làm chủ nhiệm; Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài với mục tiêu là xản xuất và thử nghiệm được một số sản phẩm phân bón hữu cơ cho một số loại rau ăn lá từ phụ phẩm cây Chùm ngây (thân, cuống lá già và các bộ phận không sử dụng khác) nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, góp phần giải quyết được bài toán thực phẩm an toàn, đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng.

Sau 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình sản xuất phân bón hữu cơ Chùm ngây (Moringa oleifera M.) với sản phẩm khoa học từ đề tài gồm phân bón hữu cơ Moringa và phân bón thủy canh hữu cơ Moringa phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, giúp cây tăng trưởng nhanh; đồng thời là một giải pháp hiệu quả nhằm tái tạo nguyên liệu làm phân bón an toàn cho cây trồng, tiết kiệm chi phí sản xuất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, các sản phẩm phân bón từ đề tài cùng nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ khác phù hợp với nhu cầu xã hội của các cá nhân, đơn vị Viện thường xuyên được trưng bày, giới thiệu tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế.

Song hành cùng hoạt động chính về nghiên cứu khoa học, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế luôn chú trọng tích cực đẩy mạnh lồng ghép bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trong từng hoạt động của đơn vị nhằm đóng góp chung vào nỗ lực toàn cầu về “Phục hồi hệ sinh thái” (Ecosystem Restoration) – chủ đề được Liên hợp quốc phát động năm 2021 cho một Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021-2030) nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và đại dương, giúp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.

Sản phẩm khoa học công nghệ Phân bón hữu cơ Moringa và Phân bón thủy canh hữu cơ Moringa từ đề tài cấp Đại học Huế được phê duyệt năm 2019 do PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế làm chủ nhiệm; Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài

 

 

Tiếng Việt