Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế bước đầu xây dựng mô hình trồng dưa lưới hữu cơ tự nhiên

Thương hiệu dưa lưới của viện CNSH trong những năm qua đã nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ của người tiêu dùng do mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Hiện nay Viện CNSH có trên 400m2 nhà màng được sử dụng chủ yếu vào mục đích khảo nghiệm quy trình trồng hữu cơ một số loại rau màu. Do có giá trị kinh tế cao, chu kì trồng ngắn nên  hiện nay dưa lưới đang là sản phẩm được chúng tôi quan tâm phát triển. Dưa lưới của Viện CNSH những năm trước trồng theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong quá trình trồng, ưu tiên sử dụng sản phẩm sinh học và đảm bảo thời gian cách li an toàn của sản phẩm trước khi tiêu thụ.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu nông sản hữu cơ đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe của các quy trình chứng nhận an toàn thực phẩm của các tổ chức trong và ngoài nước, chúng tôi đang dần chuyển đổi mô hình trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ sang trồng hữu cơ tự nhiên với mục đích tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm của Viện để vừa sản xuất an toàn, vừa bảo vệ môi trường cảnh quan của Viện. Để thực hiện được mục tiêu này, các phụ phẩm từ các khu khảo nghiệm trồng rau màu, trồng lúa đã được thu gom và tận dụng cho sản xuất. Đáng lưu ý nhất là tận dụng nguồn rơm rạ từ 2 mẫu đất khảo nghiệm lúa 2 vụ/năm để trồng các loại nấm ăn. Bã rơm sau sản xuất được tận dụng ủ với phân bò và chế phẩm vi sinh làm nguồn phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng rau màu, cây ăn trái. Bên cạnh đó, do có nguồn đặt mua phân bò dồi dào từ các trang trại bò ở Phong Hiền, huyện Phong Điền chúng tôi cũng bắt đầu triển khai nuôi giun quế để thu phân và sản xuất dịch trùn quế. Do chủ động sản xuất được các loại phân hữu cơ tại chỗ, chúng tôi đang tiến hành thử nghiệm trồng dưa lưới tự nghiên trên nguồn phân hữu cơ tự sản xuất này. Những kết quả bước đầu thu được của mô hình này rất đáng khích lệ, dưa lưới phát triển tốt, lá xanh, tỉ lệ đâm cành mạnh, tỉ lệ đậu quả cũng như sự phát triển quả không khác nhiều so với phương thức trồng theo hướng hữu cơ trước đây. Không những thế, trong quá trình chăm sóc, dưa lưới được phun định kì với chế phẩm nấm đối kháng vào thân, lá và rễ nhằm hạn chế tối đa việc gây hại của dịch bệnh mà không cần sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Với mô hình này, chúng tôi hi vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tự nhiên của Viện nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mùa trung thu năm nay đang tới gần và những trái dưa lưới đầu tiên trồng theo hướng hữu cơ tự nhiên cũng sắp đến ngày thu hoạch. Chúng tôi tin rằng những trái dưa lưới vàng ươm, ngọt lịm bên cạnh bánh trung thu và thanh trà truyền thống sẽ góp phần mang lại một mùa trung thu ý nghĩa đối với mỗi gia đình. Với sự nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học, Viện chúng tôi đặt ra những mục tiêu dài hơi đối với việc phát triển mô hình hữu cơ tự nhiện không chỉ với cây dưa lưới mà cả những cây rau màu, cây hoa để tạo ra những sản phẩm an toàn hơn, phục vụ nhu cầu của nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Chúng tôi hi vọng mô hình này sẽ nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, các công ty sản xuất nông nghiệp cùng quý khách hàng để có thể tiếp tục phát triển ở quy mô lớn hơn tiến tới chuyển giao hiệu quả quy trình cho các công ty, hợp tác xã và người dân trong và ngoài tỉnh.

Một số hình ảnh về mô hình trồng dưa lưới  hữu cơ tự nhiên:

Tiếng Việt