Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài độc lập cấp Nhà nước mã số 13/2011-T/HĐ-ĐTĐL

Vừa qua, Đại học Huế đã tiến hành Hội nghị nghiệm thu cấp cơ sở đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ của bệnh do Cryptosporidium parvum gây ra ở bò lây sang người và xây dựng quy trình chẩn đoán nhanh” do PGS. TS. Đinh Thị Bích Lân làm chủ nhiệm.

Với mục đích chính của đề tài là nghiên cứu đặc điểm dịch tễ của bệnh, sản xuất KIT chẩn đoán nhanh và đề xuất chương trình phòng chống hiệu quả bệnh do Cryptosporidium parvum gây ra ở bò, trong 3,5 năm (2011 – 6/2014) chủ nhiệm và các thành viên tham gia đề tài đã thực hiện đầy đủ nội dung, đáp ứng đầy đủ về số lượng, khối lượng, chủng loại sản phẩm khoa học công nghệ chính, cũng như các yêu cầu về chất lượng sản phẩm trong hợp đồng và thuyết minh đã được phê duyệt.

 

Các sản phẩm của đề tài bao gồm:

– 2000 KIT chẩn đoán, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao (trên 85%), có kết quả trong vòng 10 phút. KIT có thể bảo quản trong vòng 1 năm. KIT có thể ứng dụng rộng rãi trong thực tế, ngay trong điều kiện chuồng trại, không cần chi phí mua trang thiết bị cơ bản như máy móc, dụng cụ chẩn đoán, cơ sở vật chất và không mất thời gian, công sức và chi phí cho vận chuyển mẫu về phòng thí nghiệm để chẩn đoán.

– Quy trình sản xuất KIT chẩn đoán nhanh bệnh do ký sinh trùng C. parvum gây ra ở bò.  Quy trình đầy đủ, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu.

– Dự thảo chương trình phòng chống

– Báo cáo khoa học về tỷ lệ mắc bệnh, cường độ nhiễm, yếu tố liên quan đến sự lây nhiễm và thiệt hại của bệnh do C. parvum gây ra trên bò.

– Báo cáo khoa học về mức độ và phương thức lây nhiễm giữa bò và người.

– Đề tài đã có 3 bài báo được xuất bản hoặc nhận đăng.

– Tham gia đào tạo: 2 Thạc sỹ, 5 Bác sĩ  thú y

Việc thực hiện thành công đề tài đã cung cấp một số dữ liệu khoa học về đặc điểm dịch tễ của bệnh do Cryptosporidium parvum gây ra ở bò; đóng góp thêm một công cụ giúp chẩn đoán nhanh, hiệu quả bệnh do Cryptosporidium parvum gây ra ở gia súc và người. Đề tài đã tham gia đào tạo sinh viên, học viên cao học của trường Đại học Nông Lâm, cũng như tăng cường năng lực nghiên cứu cho cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ sinh học và Chăn nuôi Thú y của Đại học Huế.

Tại Hội nghị nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã thống nhất thông qua đề tài với số phiếu tán thành 9/9.

Tiếng Việt