Lên núi “cứu” sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh được xem làm “đệ nhất” sâm. Được so sánh với các loại sâm Cao Ly thượng hạng, sâm Ngọc Linh có thành phần ginsenoside (dược chất chính trong nhân sâm) vào loại nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax trên thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng saponin (chất có tác dụng hỗ trợ sức khỏe) trong sâm Ngọc Linh rất cao. Loại sâm này có đến 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, kể cả sâm của Mỹ hay Hàn Quốc, vì thế giá trị của nó vô cùng đặc biệt. Tiếc là ở Việt Nam, sâm Ngọc Linh lại rơi vào nhóm đe dọa và hiện chỉ còn tồn tại ở một số vườn trồng trong khu bảo tồn tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Từ hơn 10 năm trước, nhiều nhà khoa học đeo đuổi nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng sâm Ngọc Linh. Đa phần đều chọn hướng nuôi cấy mô vì tỷ lệ nhân giống khả quan, cây con mang đặc tính giống mẹ, thế nhưng hiệu quả chưa cao. Còn với các làm của người dân là gieo hạt rồi nhổ cây con để trồng khiến tỷ lệ cây sống thấp. Các nhà khoa học đến từ ĐH Huế thì khác, họ chọn phương pháp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về nhân giống hữu tính nhằm nâng cao tỷ lệ và chất lượng sâm Ngọc Linh. Thực hiện dự án này là một trong những minh chứng khẳng định khả năng và mong muốn phát triển Viện CNSH, Đại học Huế xứng đáng trở thành trung tâm nghiên cứu khu vực miền trung và cả nước.

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải chia sẽ, theo đuổi hướng nghiên cứu này, các chuyên gia Huế phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn. Những trang ghi chép về hành trình nghiên cứu sâm dày đặc lên. Nào tuyển chọn nhóm cá thể chất lượng; nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm của hạt giống hay nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, khả năng sinh trưởng phát triển của cây giống giai đoạn vườn ươm; xây dựng mô hình nhà ươm chủ động một số điều kiện nuôi dưỡng cây con trước khi chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Trung tâm sâm Ngọc Linh…. Tất cả đều đòi hỏi sự tỉ mẩn, suy xét kỹ càng và hơn thế, bằng cả tấm lòng trân quý cây sâm.

Kết quả nghiên cứu sâm ở Nam Trà My của các nhà khoa học Huế đến nay đã đi được 2/3 chặng đường và cho thấy những tín hiệu lạc quan. Điều đó tạo thêm niềm tin, nếu có thể được di thực thì việc khởi động sẽ nhanh hơn nhờ ứng dụng công nghệ đã được nghiên cứu tại Nam Trà My. Theo PGS.TS. Trương thị Hồng Hải, nếu việc thử nghiệm được thực hiện sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho tỉnh bởi giá trị “quý hơn vàng” của sâm Ngọc Linh là điều ai cũng rõ. Đặc biệt, có thể góp thêm những sản phẩm du lịch, chẳng hạn như vườn ươm tham quan sâm dành cho du khách.

(Bài viết này được tóm lược từ bài báo: Lên núi “cứu” sâm Ngọc Linh của tác giả Hữu Phúc được đăng trên Báo Thừa Thiên Huế: Kỷ Hợi 2019)

Tiếng Việt