Hội thảo khoa học: Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất giống cá dìa trong điều kiện nhân tạo

Trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu của nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia: “Sản xuất thử nghiệm giống nguồn gen cá dìa (Siganus guttatus)”, mã số NVQG-2019/DA.18 do PGS.TS Nguyễn Quang Linh –  nguyên Giám đốc Đại học Huế làm chủ nhiệm, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (Viện) là tổ chức chủ trì, ngày 20/9/2022, nhóm nghiên cứu đã phối hợp cùng đơn vị chủ trì thực hiện dự án tổ chức Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất giống cá dìa trong điều kiện nhân tạo” với mục tiêu thông báo kết quả đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; đồng thời, chia sẻ, tiếp thu những kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phù hợp trong hoạt động sản xuất giống cá dìa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất giống cá dìa trong điều kiện nhân tạo.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp, khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện Ban Khoa học, Công nghệ và Quan hệ quốc tế – Đại học Huế; Ban lãnh đạo, Trưởng các đơn vị và các cán bộ, người học đang công tác tại Viện cùng thành viên thực hiện dự án.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế, Trưởng ban tổ chức Hội thảo đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các đại biểu tham dự Hội thảo; đồng thời tin tưởng Hội thảo sẽ đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra; làm cơ sở phát huy hiệu quả hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, quản lý cũng như tính ứng dụng từ dự án.

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế, Trưởng ban tổ chức Hội thảo phát biểu tại Hội thảo

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo các kết quả đã thu được của đề tài khi sản xuất giống cá dìa trong điều kiện nhân tạo, bao gồm: điều kiện môi trường; thức ăn nuôi vỗ cá dìa; kỹ thuật ương/ấp; các giai đoạn phát triển của cá dìa; chỉ tiêu sinh sản của cá dìa và các hoạt động kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý dự án. PGS.TS. Nguyễn Quang Linh đã có những chia sẻ thực tế, cập nhật về tình hình sản xuất, nghiên cứu sản xuất giống cá dìa trong nước và quốc tế hiện nay, cũng như quá trình thực hiện dự án; đồng thời, nêu rõ các vấn đề cần lưu ý trong quá trình nuôi cá dìa ở điều kiện nhân tạo.

ThS. Trần Vinh Phương – đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo


PGS.TS Nguyễn Quang Linh –  nguyên Giám đốc Đại học Huế, Chủ nhiệm dự án phát biểu tại Hội thảo

Tiếp tục chương trình, đại biểu tham dự Hội thảo đã có những trao đổi sâu về chuyên môn liên quan đến đề xuất, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất giống và ương nuôi cá dìa, chú trọng nâng cao tỷ lệ sống của cá dìa từ giai đoạn cá bột lên cá hương; xác định vai trò thức ăn và một số đặc tính sinh lý, sinh hóa khi cá phát triển qua từng giai đoạn từ cá bột đến cá hương.

TS. Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ Thủy sản trực thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế chia sẻ thông tin

PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải ghi nhận các kết quả thu được của dự án, đồng thời đưa ra một số định hướng về công tác quản lý nhằm hỗ trợ dự án trong thời gian tới.

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tiếng Việt