Hội nghị trực tuyến Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế

Ngày 03 tháng 06 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế với mục tiêu tổng quát là phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế thành một trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung có cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, nhân lực đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ nền của công nghệ sinh học, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội.

Dự Hội nghị tại đầu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trì Hội nghị; GS.TS. Tạ Ngọc Đôn – Vụ trưởng, TS. Trần Nam Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Ban quản lý các dự án, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về phía điểm cầu Đại học Huế có sự tham dự của ông Nguyễn Thanh Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế; Ban Giám đốc Đại học Huế với sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế; PGS.TS. Huỳnh Văn Chương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng Đại học Huế, Phó Giám Đại học Huế; TS. Trương Quý Tùng – Phó Giám đốc Đại học Huế; TS. Đỗ Thị Xuân Dung – Phó Giám đốc Đại học Huế; đại diện Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, Ban Kế hoạch, Tài chính và Cơ sở Vật chất; về phía đơn vị được phê duyệt Đề án phát triển – Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (Viện) có Ban lãnh đạo Viện cùng thành viên trong tổ công tác tổ chức; đại diện lãnh đạo của các trường đại học thành viên Đại học Huế như Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Nông Lâm và Trường Đại học Sư Phạm. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các trường đại học khu vực miền Trung và Tây nguyên như: Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Hà Tĩnh, Trường Đại học Quảng Bình, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt.

PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Hội nghị

Quý đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Đại học Huế

Thay mặt Đại học Huế, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế đã báo cáo tóm tắt các kết quả đạt được trong 3 năm thực hiện Quyết định 523/QĐ-TTg tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh hợp tác liên kết với các viện, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trên địa bàn khu vực miền Trung, góp phần hỗ trợ, nâng cao năng lực, hiệu quả trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền Trung; Tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất; Ưu tiên các định hướng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng; Phát triển ứng dụng công nghệ sinh học; Xây dựng Trung tâm dịch vụ khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ sinh học làm nòng cốt cho khu vực miền Trung; Tổ chức dịch vụ ươm tạo, chuyển giao; và Đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo với các cơ sở đào tạo nghiên cứu nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế báo cáo Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế

Cũng tại Hội nghị, TS. Trần Nam Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo dự thảo Kế hoạch triển khai Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế giai đoạn 2021-2025 tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chi tiết cùng lộ trình cụ thể thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong Quyết định 523/QĐ-TTg như: Hoàn thiện, thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức, cơ chế, chính sách; Ưu tiên tuyển chọn hoặc đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học đặc thù cho khu vực miền Trung và Tây nguyên; Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học; Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế; Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm công nghệ sinh học để phát triển Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế thành trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung; Đầu tư duy trì phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế từ trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung thành nền tảng Trung tâm Khoa học Công nghệ và miền Trung; và Thẩm định và cân đối, bố trí nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ, sự nghiệp giáo dục và đào tạo và các nguồn vốn khác.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các trường đại học tham dự cuộc họp đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong 3 năm đầu triển khai thực hiện qua các số lượng đề tài, dự án khoa học công nghệ được triển khai, sở hữu trí tuệ, quy trình công nghệ và sản phẩm chuyển giao. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu ra nhiều thách thức khó khăn cần phải giải quyết nhằm thực hiện tốt Quyết định 523/QĐ-TTg như phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ tầm khu vực và quốc gia; giải quyết các vấn đề, thách thức đặt ra phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đầu tư cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế chưa tương xứng với quy mô và vai trò của Viện là trung tâm kết nối nghiên cứu đào tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cũng được đưa ra như cần xây dựng cơ chế chính sách tận dụng nguồn lực chung bao gồm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất tại các phòng thí nghiệm các trường đại học, viện nghiên cứu của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; cơ chế chính sách nhằm kết nối, hình thành và phát triển mạng lưới công nghệ sinh học của khu vực.

Thay mặt tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẳng định Tỉnh ủng hộ chủ trương xây dựng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế thành một trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung, phù hợp với chiến lược xây dựng Tỉnh thành thành phố trực thuộc trung ương, một trung tâm khoa học công nghệ lớn của cả nước, Đại học Huế thành Đại học Quốc gia lớn; Tỉnh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa Đại học Huế và Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế về quỹ đất và một số cơ sở vật chất nhằm thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch tỉnh cũng lưu ý Đại học Huế, Viện cũng như các cơ sở giáo dục đại học chú ý tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh nhấn mạnh xây dựng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế thành trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung là nhiệm vụ xuyên suốt; phát triển công nghệ sinh học gắn với các nhiệm vụ khai thác nguồn gen, đa dạng sinh học của hệ sinh thái miền Trung và Tây Nguyên; thực hiện nhiệm vụ đặc thù gắn với công nghệ chuyển gen, sinh vật biến đổi gen; Đại học Huế sẽ tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư Viện thành trung tâm lớn về công nghệ sinh học của miền Trung, Tây Nguyên; xây dựng mạng lưới chia sẻ nguồn lực với sự tham gia của các nhà khoa học, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài ra, PGS.TS. Nguyễn Quang Linh cũng chỉ ra một số thách thức, khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cần có sự quyết tâm cao, đồng lòng cùng nhau vượt qua các khó khăn và thách thức.

Kết luận Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ chủ trương chung của Bộ hiện nay nghiên cứu gắn liền với công bố quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện nguồn thu cho các cơ sở giáo dục đại học. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng nhấn mạnh xây dựng Viện thành trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung phù hợp với định hướng chung của Bộ. Thứ trưởng cũng chỉ đạo cần hoàn thiện cơ chế chính sách xây dựng mạng lưới công nghệ sinh học khu vực miền Trung và Tây nguyên, lấy Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế là hạt nhân; phối hợp với các Bộ, ngành khác đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên tìm kiếm nguồn lực đầu tư Viện; rà soát lại nội dung và kế hoạch triển khai thật cụ thể, phân công tổ chức thực hiện rõ ràng có kiểm tra, báo cáo, đánh giá hàng năm. Trước mắt, Bộ hỗ trợ hàng năm một Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Bộ và ưu tiên trong tuyển chọn các đề tài cấp Bộ. Đại học Huế phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Vụ Kế hoạch – Tài chính thông qua đề án tự chủ làm căn cứ cấp kinh phí chi thường xuyên, xây dựng các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng.

 

 

Tiếng Việt