THÔNG TIN TUYỂN SINH

Nghiên cứu sinh và Dự bị tiến sĩ năm 2025 của Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế

Căn cứ Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ; Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế ban hành theo Quyết định số 1528/QĐ-ĐHH ngày 08 tháng 10 năm 2021; Quy định tuyển sinh và đào tạo dự bị tiến sĩ tại Đại học Huế ban hành theo Quyết định số 1858/QĐ-ĐHH ngày 29 tháng 11 năm 2021 của Giám đốc Đại học Huế; Quyết định số 1115/QĐ-ĐHH ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Giám đốc Đại học Huế về việc sửa đổi một số điều của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế;

Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế thông tin tuyển sinh nghiên cứu sinh và dự bị tiến sĩ năm 2025 như sau:


I. NGÀNH TUYỂN SINH

1. Tiến sĩ Sinh học, mã số: 9420101

2. Tiến sĩ Nông nghiệp hữu cơ, mã số: 9620125 (Chương trình thí điểm)

3. Dự bị tiến sĩ Sinh học

4. Dự bị tiến sĩ Nông nghiệp hữu cơ


II. HÌNH THỨC TUYỂN SINH: Xét tuyển


III. KHUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Sinh học, mã số: 9420101

Nông nghiệp hữu cơ, mã số: 9620125


IV. THỜI GIAN ĐÀO TẠO

1. Đào tạo tiến sĩ: 03 năm đối với người có bằng thạc sĩ và 04 năm đối với người có bằng đại học theo hình thức tập trung toàn thời gian.

2. Đào tạo dự bị tiến sĩ

Tối đa 02 năm (24 tháng).

Người học có thể đăng kí chương trình dự bị tiến sĩ khóa 06 tháng, 12 tháng hoặc tối đa 02 năm (24 tháng).


V. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH

Đối tượng tuyển sinh cho chương trình đào tạo tiến sĩ và dự bị tiến sĩ ngành Sinh học là những người đã tốt nghiệp cao học hoặc đại học chuyên ngành/ngành Sinh học, Sinh học thực nghiệm, Động vật học, Thực vật học, Sinh thái học, Di truyền học, Hóa sinh học, Vi sinh vật học, Thủy sinh vật học, Nhân chủng học.

Đối tượng tuyển sinh cho chương trình đào tạo tiến sĩ và dự bị tiến sĩ thí điểm ngành Nông nghiệp hữu cơ là người đã tốt nghiệp cao học có ngành phù hợp như Khoa học đất, Chăn nuôi, Khoa học cây trồng, Di truyền và chọn giống cây trồng, Bảo vệ thực vật… và người đã tốt nghiệp đại học có ngành phù hợp như Nông nghiệp, Khuyến nông, Khoa học đất, Chăn nuôi, Nông học…


VI. CÁC HƯỚNG NGHIÊN CỨU VÀ CƠ HỘI NHẬN HỌC BỔNG CHO NGHIÊN CỨU SINH (NCS) VÀ DỰ BỊ TIẾN SĨ

1. Các hướng nghiên cứu

Thông tin chi tiết xem tại đây.

2. Học bổng

Nghiên cứu sinh có cơ hội được nhận:

+ Hỗ trợ cho mỗi NCS 20.000.000 VNĐ trong quá trình học tập.

+ Hỗ trợ hóa chất/vật liệu nghiên cứu.


VII. ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN

1. Đối với dự tuyển NCS

1. Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy (ngành đúng, phù hợp) loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ (ngành đúng, phù hợp) với ngành đăng kí dự tuyển hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù đúng hoặc phù hợp với ngành đăng kí dự tuyển. Các bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ do các cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp phải kèm theo văn bản thẩm định và công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo;

2. Có lí lịch rõ ràng, không trong thời gian thi hành án hình sự, kỉ luật từ mức cảnh cáo trở lên;

3. Có đủ sức khỏe để học tập, nghiên cứu;

4. Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu; hoặc trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng kí dự tuyển là tác giả hoặc đồng tác giả của tối thiểu 01 bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 01 báo cáo khoa học đăng trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu; hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ;

5. Có bản dự thảo đề cương nghiên cứu làm theo mẫu tham khảo tại Phụ lục I của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế hiện hành (Quyết định số 1528/QĐ-ĐHH ngày 08 tháng 10 năm 2021). Trong đề cương nghiên cứu có thể đề xuất người hướng dẫn;

6. Có bản dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa tham khảo tại Phụ lục II của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế hiện hành;

7. Có 01 thư giới thiệu của nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ có uy tín cùng ngành hoặc nhóm ngành và 01 thư giới thiệu của Thủ trưởng cơ quan quản lí đối với người dự tuyển đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoặc có 02 thư giới thiệu của 02 nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ có uy tín cùng ngành hoặc nhóm ngành đối với người dự tuyển tự do. Thư giới thiệu phải có các nội dung đánh giá, nhận xét người dự tuyển về:

– Phẩm chất nghề nghiệp, năng lực, trình độ chuyên môn và khả năng nghiên cứu;

– Đối với nhà khoa học đáp ứng các tiêu chí của người hướng dẫn NCS và đồng ý nhận làm cán bộ hướng dẫn, cần bổ sung thêm nhận xét về nội dung nghiên cứu, tính cấp thiết, khả thi của đề tài;

– Những nhận xét khác và mức độ ủng hộ, giới thiệu người dự tuyển NCS.

8. Ngoại ngữ

– Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ sau:

+ Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài;

+ Bằng tốt nghiệp trình độ đại học các ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;

+ Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quy định tại Phụ lục III của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế hiện hành còn hiệu lực tính đến ngày đăng kí dự tuyển hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương trình độ bậc 4 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố;

– Người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng kí theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Việt phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài và có chứng chỉ ngoại ngữ theo Quy định tại Phụ lục III của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế hiện hành.

9. Người hướng dẫn NCS

Thực hiện theo các nội dung quy định tại Điều 18 của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế hiện hành.

2. Đối với dự bị tiến sĩ

Người dự tuyển chưa đáp ứng các điều kiện dự tuyển trình độ tiến sĩ có thể nộp hồ sơ đăng kí dự tuyển dự bị tiến sĩ khi có các điều kiện sau đây:

1. Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy (ngành đúng, phù hợp) loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ (ngành đúng, phù hợp, ngành gần) với ngành đăng kí dự tuyển hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù đúng hoặc phù hợp với ngành đăng kí dự tuyển. Các bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ do các cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp phải kèm theo văn bản thẩm định và công nhận văn bằng của Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo;

2. Có bài luận định hướng về đề tài nghiên cứu theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ dự bị tiến sĩ tại Đại học Huế hiện hành (Quyết định số 1858/QĐ-ĐHH ngày 29 tháng 11 năm 2021);

3. Có ít nhất 01 nhà khoa học đủ điều kiện theo quy định tại Điều 18 của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ tại Đại học Huế hiện hành hướng dẫn trong thời gian học dự bị tiến sĩ;

4. Có lí lịch rõ ràng, không trong thời gian thi hành án hình sự, kỉ luật từ mức cảnh cáo trở lên;

5. Có đủ sức khỏe để học tập, nghiên cứu;

6. Có 01 thư giới thiệu của nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ có uy tín cùng ngành hoặc nhóm ngành đồng ý hướng dẫn trong thời gian dự bị tiến sĩ. Thư giới thiệu phải có các nội dung đánh giá, nhận xét người dự tuyển về:

– Phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp;

– Năng lực hoạt động chuyên môn, khả năng nghiên cứu;

– Phương pháp làm việc;

– Triển vọng phát triển về chuyên môn;

– Những nhận xét khác và mức độ ủng hộ, giới thiệu người dự tuyển tham gia chương trình dự bị tiến sĩ.


VIII. CHUẨN ĐẦU RA

1. Yêu cầu chung

– Hoàn thành các học phần bổ sung (nếu có) theo yêu cầu của Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế;

– Hoàn thành các học phần ở trình độ tiến sĩ;

– Triển khai thí nghiệm và tham gia các hoạt động sinh hoạt học thuật đầy đủ tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế từ khi có quyết định công nhận NCS đến khi hoàn thành bảo vệ luận án cơ sở;

– Tham gia tối thiểu 01 hoạt động sinh hoạt khoa học/năm do viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế tổ chức (báo cáo hội thảo, hội nghị, báo cáo chuyên đề);

– Yêu cầu về công bố khoa học:

+ Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình trong luận án.

+ Các yêu cầu trên có thể được thay thế bằng minh chứng là tác giả hoặc đồng tác giả của: 01 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng kí và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia, quốc tế; có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án.

+ Ngoài các yêu cầu trên, nghiên cứu sinh phải là tác giả chính của tối thiểu 01 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí khoa học Đại học Huế.

+ Nếu các nghiên cứu khoa học có thực hiện thí nghiệm trên người phải thông qua Hội đồng y đức; trên động vật phải thông qua Hội đồng đạo đức động vật.

– Được tập thể hoặc người hướng dẫn đồng ý cho NCS bảo vệ luận án;

– Nghiên cứu sinh phải bảo vệ luận án của mình trước hội đồng cấp cơ sở (Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế).

2. Chuẩn đầu ra của chương trình tiến sĩ Sinh học

Về kiến thức

– Tổng hợp và ứng dụng được kiến thức về Sinh học để giải quyết các vấn đề liên quan.

– Áp dụng được các kiến thức cơ sở ngành để phân tích, đánh giá, nghiên cứu và phát triển các nguyên lý, học thuyết chuyên ngành trong lĩnh vực Sinh học.

– Có tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo, làm chủ được các giá trị cốt lõi, quan trọng trong học thuật, đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu, tham gia hoặc tiến hành các nghiên cứu trong lĩnh vực lý thuyết và ứng dụng Sinh học.

Về kỹ năng

– Có khả năng hoạt động nghiên cứu chuyên môn độc lập hoặc phối hợp nghiên cứu có hiệu quả với các đồng nghiệp khác ở trong nước và nước ngoài, có khả năng lãnh đạo nhóm nghiên cứu thuộc lĩnh vực Sinh học.

– Có khả năng giảng dạy chuyên đề ở trình độ đại học, sau đại học cho các đối tượng có nhu cầu học về chuyên ngành Sinh học.

– Biết vận dụng linh hoạt và có hiệu quả các công trình nghiên cứu với việc phát triển, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách của đất nước về lĩnh vực Sinh học.

– Có năng lực đề xuất và chủ trì hoặc là cán bộ thực hiện chính các đề tài, dự án trong các chương trình, dự án cấp quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực Sinh học.

– Có kiến thức và kỹ năng biên soạn sách, tài liệu phục vụ đào tạo trong lĩnh vực Sinh học.

– Có khả năng trao đổi chuyên môn với người nước ngoài bằng tiếng Anh và khả năng tra cứu, dịch tài liệu, viết bài báo bằng tiếng Anh trong lĩnh vực chuyên môn.

Về năng lực tự chủ và trách nhiệm

– Có năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề; rút ra những nguyên tắc, quy luật trong quá trình giải quyết công việc; đưa ra được những sáng kiến có giá trị và có khả năng đánh giá giá trị của các sáng kiến.

– Có khả năng thích nghi với môi trường làm việc hội nhập quốc tế.

– Có năng lực lãnh đạo và tầm ảnh hưởng tới định hướng phát triển chiến lược của tập thể, có năng lực đưa ra được những đề xuất của chuyên gia hàng đầu với luận cứ chắc chắn về khoa học và thực tiễn.

– Có khả năng quyết định về kế hoạch làm việc, quản lý các hoạt động nghiên cứu, phát triển tri thức, ý tưởng mới, quy trình mới.

3. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo thí điểm trình độ tiến sĩ ngành Nông nghiệp hữu cơ

Về kiến thức: Đạt chuẩn mức độ 4 của phân loại tư duy theo Bloom (mức độ phân tích được kiến thức)

– Có hệ thống kiến thức toàn diện về lĩnh vực Nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt có hệ thống kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

– Có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo để nắm được những giá trị cốt lõi trong quá trình nghiên cứu, áp dụng kiến thức vào quá trình sản xuất Nông nghiệp hữu cơ.

– Có kiến thức tổng hợp về các quy định, tiêu chuẩn của pháp luật Việt Nam và thế giới về sản xuất Nông nghiệp hữu cơ, gắn liền sản xuất nông nghiệp với trách nhiệm bảo vệ môi trường; có khả năng tổ chức nghiên cứu các vấn đề liên quan tới sản xuất Nông nghiệp hữu cơ.

Về kỹ năng: Đạt chuẩn mức độ 4 của phân loại tư duy theo Bloom (Mức độ phối hợp được các kỹ năng)

– Có kỹ năng phát hiện và phân tích những vấn đề tồn tại của nông nghiệp Việt Nam nói chung và Nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam nói riêng để đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề và góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản hữu cơ Việt Nam.

– Có khả năng sáng tạo trong quá trình nghiên cứu, quản lý, sản xuất để tạo ra những kiến thức mới trong sản xuất Nông nghiệp hữu cơ.

– Có tầm nhìn, năng lực và uy tín để thiết lập được mạng lưới hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu về nông nghiệp, các khu vực sản xuất nông nghiệp chính của Việt Nam nhằm xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

– Có đủ trình độ ngoại ngữ để tham gia thảo luận các vấn đề chuyên sâu về Nông nghiệp hữu cơ, có thể viết báo cáo, trình bày quan điểm về một vấn đề của Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam khi tham gia các hội thảo, diễn đàn quốc tế.

Về năng lực tự chủ và trách nhiệm: Đạt chuẩn mức độ 4 của phân loại tư duy theo Bloom (Có khả năng tổ chức/thiết lập)

– Có năng lực phát hiện và giải quyết các vấn đề liên quan tới quá trình sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất Nông nghiệp hữu cơ nói riêng.

– Có khả năng rút ra những kết luận trong quá trình nghiên cứu, sản xuất một loại sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ đồng thời có khả năng đưa ra những sáng kiến có giá trị để phát triển hiệu quả quá trình vận dụng kiến thức vào thực tiễn sản xuất để làm giảm công lao động, tăng giá trị sản phẩm.

– Có khả năng thích nghi với môi trường sản xuất quốc tế để định hướng sản xuất các sản phẩm nông sản hữu cơ đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao.

– Có tầm nhìn và định hướng có ảnh hưởng và mang lại lợi ích cho tập thể khi tập trung vào những sản phẩm nông sản chủ lực của doanh nghiệp, cơ quan, địa phương.

– Có khả năng đưa ra những ý kiến tư vấn, những đề xuất với luận cứ khoa học chắc chắn liên quan tới quá trình sản xuất Nông nghiệp hữu cơ nhằm đưa ra những ý tưởng, những quy trình sản xuất mới.


IX. HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

1. Đối với dự tuyển NCS

– Số lượng hồ sơ: 01 bộ

– Hồ sơ dự tuyển bao gồm:

Đơn đăng kí dự tuyển theo mẫu;

Bản sao công chứng các văn bằng, chứng chỉ và minh chứng về chuyên môn, ngoại ngữ. Đối với văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp phải được thẩm định bởi Cục quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú (đối với người chưa có việc làm);

Minh chứng kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và thâm niên công tác (nếu có);

Đề cương nghiên cứu (07 bản);

Bản dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa;

Thư giới thiệu;

Công văn cử đi dự tuyển của cơ quan quản lí trực tiếp theo quy định hiện hành về việc đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức (nếu người dự tuyển là công chức, viên chức);

Lí lịch khoa học của nhà khoa học có thư giới thiệu đồng ý làm cán bộ hướng dẫn (chỉ liệt kê các công trình khoa học trong 5 năm trở lại đây và ghi rõ vai trò tác giả (tác giả chính, tác giả liên hệ));

Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để học tập của bệnh viện đa khoa;

4 ảnh (3×4).

2. Đối với dự tuyển dự bị tiến sĩ

Đơn xin dự tuyển theo mẫu;

Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp thạc sĩ và bảng điểm cao học; bằng tốt nghiệp đại học và bảng điểm đại học;

Sơ yếu lí lịch cá nhân;

Thư giới thiệu của người đồng ý hướng dẫn dự bị tiến sĩ;

Bài luận về định hướng nghiên cứu theo quy định;

Minh chứng về kinh nghiệm nghiên cứu (nếu có);

Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để học tập của bệnh viện đa khoa;

4 ảnh (3×4).

Tất cả các giấy tờ trên được đựng trong túi hồ sơ (cỡ 32 x 26 cm) có đề rõ họ tên và địa chỉ, số điện thoại liên hệ ở ngoài.

Mẫu hồ sơ đăng ký có thể download tại đây.


X. NHẬN HỒ SƠ VÀ TỔ CHỨC XÉT TUYỂN

1. Địa điểm cung cấp mẫu hồ sơ và thu nhận hồ sơ dự tuyển:

Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế – Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế

Đường Nguyễn Đình Tứ, Phường Phú Thượng, Quận Thuận Hoá, Thành phố Huế

2. Thời gian nhận hồ sơ: Tất cả các tháng trong năm.

3. Thời gian xét tuyển: Trong khoảng thời gian 15 ngày tính từ ngày nhận hồ sơ, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế sẽ phản hồi đến người dự tuyển các thông tin về tình trạng hồ sơ và các yêu cầu điều chỉnh, bổ sung nếu hồ sơ chưa đảm bảo yêu cầu, hoặc kế hoạch xét tuyển đối với những hồ sơ đã đảm bảo các yêu cầu theo quy định.

4. Lệ phí xét tuyển

– Lệ phí xử lý hồ sơ: 200.000 đồng/ hồ sơ đăng ký dự tuyển.

– Lệ phí xét tuyển: 3.000.000 đồng/thí sinh.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế – Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế.

Địa chỉ: Đường Nguyễn Đình Tứ, Phường Phú Thượng, Quận Thuận Hoá, Thành phố Huế

Điện thoại: 0234.3819335

Di động: 0905.635.726 (Gặp TS. Nguyễn Xuân Thu)

Email: daotao.huib@hueuni.edu.vn

Website: http://huib.hueuni.edu.vn

Tiếng Việt