Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Thị Hồng Hải nghiệm thu thành công đề tài KH&CN cấp tỉnh Quảng Nam

Ngày 17/06/2020, tại Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế, chủ nhiệm đề tài, đại diện nhóm nghiên cứu đã báo cáo kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ về nhân giống hữu tính nhằm nâng cao tỷ lệ nhân giống và chất lượng cây sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” do Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My chủ trì thực hiện.

Đề tài được triển khai thực hiện với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về nhân giống hữu tính sâm Ngọc Linh nhằm nâng cao tỷ lệ và chất lượng cây giống đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần triển khai hiệu quả quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Với sự tham gia của đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao của Đại học Huế và cán bộ có nhiều kinh nghiệm của Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, sau 3 năm 6 tháng thực hiện đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu và mục tiêu của đề tài.

Tại buổi nghiệm thu, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải đã trình bày tóm tắt về quá trình nghiên cứu, các nội dung nghiên cứu và các kết quả khả quan đã đạt được như: cây sâm Ngọc Linh có 1 thân và cây 5 năm tuổi thể hiện tốt các đặc trưng của giống; sâm Ngọc Linh thu thập ở các địa điểm khác nhau của tỉnh Quảng Nam có độ thuần cao; sâm Ngọc Linh có sự đa dạng di truyền lớn; tỷ lệ nảy mầm của hạt sâm Ngọc Linh bị ảnh hưởng của tuổi cây mẹ, hạt từ cây mẹ 4 năm tuổi đạt tỷ lệ nảy mầm 66,33%, cây mẹ 6 năm tuổi đạt tỷ lệ nảy mầm 82,22% và cây mẹ 8 năm tuổi đạt tỷ lệ nảy mầm 88,89%; xử lý hạt giống sâm Ngọc Linh với nước nóng 45oC trong 4 hoặc 8 giờ, hoặc 55oC  trong 8 giờ sẽ làm tăng tỷ lệ nảy mầm của hạt giống; giá thể cát suối ẩm tạo điều kiện cho hạt giống sâm nảy mầm tốt nhất, đạt tỷ lệ 92,22%; cây con được ươm trong giá thể ruột bầu chứa 50% đất mùn tự nhiên + 50% phân hữu cơ hoai mục từ lá cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt nhất và cho tỷ lệ cây con xuất vườn cao nhất, đạt 82,78%; xử lý hạt trước khi gieo bằng Chế phẩm Nano Chitosan và chế phẩm vi sinh Trichoderma + Bacillus làm tăng tỷ lệ nảy mầm, giảm tỷ lệ chết rạp ở cây con.

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải báo cáo tại buổi nghiệm thu đề tài

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã nhận định độ khó của đề tài; phương pháp nghiên cứu, phân tích; đánh giá cao kết quả nghiên cứu và khả năng ứng dụng vào thực tiễn, những đóng góp ý nghĩa về mặt khoa học, kinh tế – xã hội mà đề tài mang lại cho người dân huyện Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Kết quả đánh giá xếp loại của đề tài: Đạt

Hình ảnh trong quá trình thực hiện đề tài:

Mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của thành phần ruột bầu đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây sâm giống trong giai đoạn vườn ươm

Cây giống sâm Ngọc Linh sinh trưởng trong giá thể cát suối với tỷ lệ nảy mầm cao

Tập huấn chuyển giao kỹ thuật nhân giống hữu tính sâm Ngọc Linh

Thành viên nhóm nghiên cứu theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh tại vườn cây giống gốc chất lượng cao

 

 

Tiếng Việt