Sáng ngày 5/8/2023, tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã diễn ra buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Trường cho nghiên cứu sinh (NCS) Đặng Thanh Long, khóa 35, ngành Công nghệ sinh học, mã số: 9420201 với đề tài: “Nghiên cứu sự khác biệt trình tự nucleotide của các vùng gene chỉ thị ở các mẫu sen trồng tại Huế và khảo sát hoạt tính sinh học của một số hợp chất chiết tách từ hạt sen”; Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng là đơn vị đào tạo. NCS. Đặng Thanh Long hiện là cán bộ phụ trách phòng thí nghiệm Vi sinh vật học và Công nghệ lên men tại Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế.
Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Hoàng Thị Kim Hồng, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế và TS. Lê Lý Thùy Trâm, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.
NCS. Đặng Thanh Long trình bày luận án tiến sĩ trước Hội đồng
Thông qua luận án, nhóm nghiên cứu đã đóng góp một số kết quả mới vào mảng Công nghệ sinh học, gồm: (1) Xây dựng được bộ dữ liệu về sự khác biệt trình tự các nucleotide của 1 vùng gene chỉ thị từ hệ gene nhân và 9 vùng gene chỉ thị từ hệ gene lục lạp của 33 mẫu sen trồng tại các địa điểm khác nhau ở Huế, từ đó đã ký gửi và được cấp mã số truy cập của 330 trình tự nucleotide của 10 vùng gene chỉ thị thu được từ 33 mẫu sen ở Huế trên GenBank; (2) Bước đầu phát hiện được qui luật khác biệt trình tự các nucleotide của một số vùng gene chỉ thị giữa 33 mẫu sen trồng tại các địa điểm khác nhau ở Huế, xây dựng được cây quan hệ phát sinh giữa 33 mẫu sen dựa trên các vùng gene chỉ thị có sự sai khác nucleotide và tuyển chọn được giống Sen Trắng Trẹt Lõm có sự khác biệt đặc trưng về trình tự các nucleotide để nghiên cứu các hợp chất có hoạt tính sinh học trong hạt sen; (3) Bước đầu phân lập được ba hợp chất tinh khiết từ phân đoạn n-Butanol của hạt Sen Trắng Trẹt Lõm có bản chất alkaloid: nuciferine (C19H21NO2), armepavine (C19H23O3N), và anonaine (C17H15NO2); (4) Bước đầu ghi nhận ba hợp chất này có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhưng không thể hiện hoạt tính gây độc lên ba dòng tế bào ung thư MKN7, SK-Mel-2 và KB ở các nồng độ được nghiên cứu.
Với kết quả 7/7 phiếu tán thành, Hội đồng đánh giá luận án đã đồng ý thông qua các nội dung chính trong luận án, đáp ứng các yêu cầu của một luận án tiến sĩ và đề nghị đơn vị đào tạo cấp bằng học vị tiến sĩ cho NCS. Đặng Thanh Long.
Trong niềm vui và xúc động, NCS. Đặng Thanh Long đã gửi lời tri ân đến Đại học Huế; Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế; Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng; Hội đồng; các giảng viên hướng dẫn; đồng nghiệp; bạn bè và gia đình đã luôn hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho NCS để NCS thực hiện và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Trường cùng giảng viên hướng dẫn NCS. Đặng Thanh Long chụp ảnh lưu niệm
Đại diện Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế tặng hoa chúc mừng NCS. Đặng Thanh Long