Ngày 24/6/2022, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (Viện) tổ chức nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ (thuộc Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học biển), mã số B2019-DHH-562-09 “Nghiên cứu sản xuất gypenoside từ nuôi cấy tế bào cây Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphylum (Thunb.) Makino)” do TS. Hoàng Tấn Quảng làm chủ nhiệm; Viện CNSH, Đại học Huế là đơn vị thực hiện.
Tại buổi nghiệm thu, ThS. Phạm Thị Diễm Thi – đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt quá trình nghiên cứu, một số kết quả chính của đề tài như: (1) Môi trường tốt nhất cho cảm ứng tạo callus là MS cơ bản có bổ sung 0,2 mg/L NAA, trong khi môi trường sinh trưởng tốt nhất cho callus thứ cấp là MS cơ bản có bổ sung 2,0 mg/L KIN và 0,5 mg/L IBA. Callus hình thành với tỷ lệ 100%, sinh trưởng tốt, rời rạc và đủ tiêu chuẩn để nuôi cấy huyền phù; (2) Điều kiện nuôi cấy huyền phù tế bào Giảo cổ lam trong bình tam giác là môi trường lỏng MS cơ bản có bổ sung 2,0 mg/L KIN và 0,5 mg/L IBA với tỷ lệ tiếp giống 3 g/50 mL môi trường, tốc độ lắc 120 vòng/phút với hàm lượng gypenoside đạt cực đại là 46,870 mg/g khô, hàm lượng Rb1 là 0,039 mg/g khô sau 18 ngày nuôi cấy; (3) Khi xử lý riêng lẽ các elicitor, hàm lượng gypenoside tổng số đạt cao nhất là 79,721 mg/g khô khi xử lý với SA 100 µM sau 6 ngày nuôi cấy, gấp khoảng 2 lần mẫu tự nhiên. Khi phối hợp các nồng độ elicitor tốt nhất, hàm lượng gypenoside thu được cao nhất đạt 103,810 mg/g khô; (4) Cao chiết tế bào huyền phù Giảo cổ lam có khả năng bảo vệ tế bào tinh hoàn, tăng khả năng sinh tinh và nồng độ testosterone trong máu chuột xử lý nhiệt. Cao chiết tế bào cũng ức chế 41,16% tế bào ung thư gan HepG2 ở nồng độ 200 µg/mL. Sau quá trình thực hiện đề tài, chủ nhiệm và các thành viên nghiên cứu đã công bố 03 bài báo khoa học trong nước, 02 bài báo quốc tế; hỗ trợ 01 chuyên đề nghiên cứu sinh, đào tạo 01 thạc sĩ đã bảo vệ theo hướng đề tài. Các sản phẩm ứng dụng từ đề tài có: chế phẩm dịch chiết gypenoside 1% (500 ml), quy trình sản xuất gypenoside (đã nghiệm thu).
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu ghi nhận kết quả nghiên cứu đồng thời cũng chỉ ra một số lỗi hình thức, thuật ngữ, cấu trúc báo cáo… nên cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện báo cáo.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí với các nhận xét, đánh giá của phản biện và các thành viên Hội đồng; đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng nghiệm thu để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng đề tài.
Kết quả đánh giá xếp loại của đề tài: Đạt
Hình ảnh tại buổi nghiệm thu:
ThS. Phạm Thị Diễm Thi báo cáo tại buổi nghiệm thu đề tài