Ngày 23/02/2022, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (Viện) tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ cấp Đại học Huế, mã số DHH2019-09-19: “Nghiên cứu xử lý nước thải khu công nghiệp bằng quá trình bùn hạt hiếu khí trên bể hoạt động theo mẻ luân phiên” do ThS. Trần Quang Lộc làm chủ nhiệm; Viện Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế là cơ quan chủ trì.
Tại buổi nghiệm thu, ThS. Trần Quang Lộc – đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt về quá trình nghiên cứu, một số kết quả chính của đề tài như: Để tạo bùn hạt thuận lợi thì việc kết hợp nước thải từ khu công nghiệp Phú Bài và bổ sung thêm cơ chất từ nước thải tổng hợp trong quá trình nuôi tạo là cần thiết; sau 7 tuần vận hành, đã tạo được hạt bùn hiếu khí có kích thước 1-2mm, bùn hạt có khả năng lắng tốt với chỉ số thể tích bùn (SVI) thấp chỉ khoảng 30-32mL/gTSS. Vận hành bùn hạt hiếu khí với bể luân phiên (SBR) ở chế độ cấp khí theo 2 bậc tạo điều kiện cho quá trình nitrat và khử nitrat đồng thời (SND) diễn ra ở cả hai bể; hiệu quả quá trình SND ở bể R1 và R2 tướng ứng đạt khoảng 64-68% và khoảng 85-87%; hiệu quả SND khá cao ở bể R2 dẫn đến khả năng xử lý nitơ tổng trong bể R2 cũng tốt hơn khoảng 10% so với bể R1; kết quả cho thấy, vận hành bể với chế độ cấp khí 2 bậc và cấp nước gián đoạn 2 lần ở bể R2 khá phù hợp để xử lý nitơ. Vận hành bùn hạt hiếu khí trong bể SBR với chế độ hiếu khí – thiếu khí luân phiên (chế độ O-A-O) giúp tăng cường quá trình xử lý nitơ thông qua nitrat và khử nitrat; hiệu quả xử lý tổng nitơ đạt tương ứng khoảng 68,4 – 71,2% và 80,2 – 85,6% ở bể R1 và R2; tuy nhiên, bể R2 với chế độ O-A-O kết hợp cấp nước gián đoạn 2 lần giúp bổ sung thêm nguồn cơ chất sử dụng cho quá trình khử nitrat nên hiệu quả xử lý nitơ tổng tốt hơn so với bể R1 cùng chế độ vận hành nhưng chỉ cấp nước một lần; hiệu quả xử lý T-N ở bể R2 cao hơn bể R1 khoảng 13-15%.
Sau quá trình thực hiện đề tài, chủ nhiệm và các thành viên nghiên cứu đã công bố 03 bài báo khoa học đăng trên tạp chí Khoa học Đại học Sakon Nakhon Rajabhat, Thái Lan; tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội và tạp chí Khoa học Đại học Huế.
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu ghi nhận kết quả nghiên cứu đồng thời cũng chỉ ra một số lỗi hình thức, thuật ngữ, cấu trúc báo cáo… nên cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện báo cáo.
Phát biểu tại buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng khoa học đánh giá, nghiệm thu đã nhất trí với các nhận xét, đánh giá của phản biện và các thành viên Hội đồng; đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tổng đề tài.