Nghiên cứu gần đây cho thấy nấm Arbuscular mycorrhizea có tác động tích cực đến quang hợp, trạng thái nước và trao đổi khí của thực vật bị nhiễm mặn.
Như chúng ta đã biết, đất nhiễm mặn là một trong những yếu tố gây stress phi sinh học nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến năng suất của cây thông qua việc làm giảm tiềm năng nước trong đất, giảm khả năng hấp thụ của rễ đối với nước và chất dinh dưỡng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của Chandrasekaran đã thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của việc lây nhiễm nấm arbuscular mycorrhizea (AMF) trong việc làm giảm độ nhiễm mặn ở thực vật C3 và C4 thông qua phân tích ảnh hưởng của nhiễm mặn lên bảy biến độc lập như diệp lục, diện tích lá, tốc độ quang hợp (Amax), độ dẫn của khí khổng (Gs), tốc độ thoát hơi nước (E), hàm lượng nước tương đối (RWC) và hiệu quả sử dụng nước (WUE) trên cây trồng được cấy truyền AMF. Các phản ứng được so sánh giữa thực vật C3 và C4, các loài AMF, các nhóm thực vật chức năng, độ mặn và điều kiện môi trường. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các cây được cấy truyền AMF có tác động tích cực đến trao đổi khí và tình trạng nước dưới áp lực của muối. Tổng hàm lượng chất diệp lục của thực vật C3 cao hơn thực vật C4. Khi hai loài AMF chính (Rhizophagus intraradices và Funnelliformis mosseae) được xem xét, phạm vi ảnh hưởng của RWC và WUE trong R. intraradices thấp hơn ở F. mosseae. Điều này cho thấy thực vật bị nhiễm F. mosseae hoạt động tốt hơn khi bị nhiễm mặn. Xét về con đường quang hợp của thực vật C3 và C4, phạm vi hiệu ứng của C4 thấp hơn thực vật C3 cho thấy rằng việc lây nhiễm AMF làm giảm căng thẳng muối hiệu quả hơn ở thực vật C3 so với thực vật C4.
Như vậy nhóm nghiên cứu đã tìm ra rằng cây C3 khi cho lây nhiễm với nấm AMF loài F. mosseae sẽ sinh trưởng tốt hơn cây C4 khi bị nhiễm mặn.
(Ảnh minh họa: Sự cộng sinh giữa nấm arbuscular mycorrhizal và rễ cây)
(Nguồn: Hình ảnh từ giáo sư danh dự David Read, Đại học Sheffield, Vương quốc Anh)
Theo Murugesan Chandrasekaran, Mak Chanratana, Kiyoon Kim, Sundaram Seshadri, and Tongmin Sa
https://doi.org/10.3389/fpls.2019.00457
Nguyễn Thị Diễm, PTN Tế bào