Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền và có các triệu chứng đặc trưng như sốt, phát ban và suy nhược. Bệnh xuất hiện khi cơ thể người bệnh nhiễm 1 trong 4 tuýp huyết thanh khác nhau của virus. Những người đã bị mắc bệnh trước đó có thể nhiễm bệnh nặng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu cơ thể tiếp tục bị mắc bệnh lần hai. Hiện nay, các nhà khoa học đã lai tạo thành công một dòng muỗi chống lại virus. Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm chứng minh không có sự lây lan của bệnh. Về lý thuyết, những con muỗi này có thể được thả vào tự nhiên để ngăn chặn sự sinh sôi của virus.
Alexander Franz – nhà nghiên cứu virus từ côn trùng của Đại học Missouri, Columbia, Hoa Kỳ cho biết: “Đây là một nghiên cứu có tính ứng dụng cao, là điều cần làm nếu thực sự muốn có thay đổi lớn đến tỷ lệ mắc sốt xuất huyết.”
Các biện pháp kiểm soát bệnh sốt xuất huyết thông thường, như loại bỏ nước tù đọng nơi muỗi sinh sản, phun thuốc sát trùng và bảo vệ người bằng màn ngủ, không đủ hiệu quả loại bỏ virus. Hàng năm, có hơn 400 triệu người lây nhiễm ở các vùng gần vùng nhiệt đới. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu đang cố gắng kiểm soát sốt xuất huyết từ bên trong vật truyền trung gian là muỗi. Mục đích là để giữ cho virus không lây sang nước bọt muỗi khi nó tiếp xúc với vật chủ.
Về cơ bản, giống muỗi chuyển gen không tạo ra kháng thể để tấn công vào mầm bệnh, nhưng giúp chúng chống lại truyền mầm bệnh sang người. Ở nghiên cứu trước đây, các nhà nghiên cứu đã tạo ra loài muỗi mang kháng thể giúp giữ ký sinh trùng sốt rét Plasmodium không truyền qua hệ thống nước bọt của chúng.
Nghiên cứu mới cũng áp dụng nguyên tắc tương tự cho virus sốt xuất huyết. Nhà nghiên cứu Omar Akbari thuộc Đại học California, San Diego, Hoa Kỳ và các đồng nghiệp đã biến đổi gen kháng thể chống sốt xuất huyết ở người để đơn giản hóa cấu trúc của kháng thể giúp dễ dàng đưa vào bộ gen của muỗi. Họ đã chuyển gen tối ưu vào phôi của muỗi Aedes aegypti vốn là vật lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Sau đó, nhóm nghiên cứu nhân giống để tạo ra các thế hệ muỗi với hai bản sao của gen và chỉ được kích hoạt khi có máu trong ruột của chúng. Kiểm tra những con muỗi biến đổi gen hút máu có chứa huyết thanh sốt xuất huyết thì không phát hiện có virus sốt xuất huyết trong nước bọt của chúng. Điều này sẽ ngăn chặn các huyết thanh sốt xuất huyết được truyền sang người khi muỗi tiếp xúc và hút máu.
Các nhà nghiên cứu tạo ra muỗi biến đổi gen mang kháng thể chống lại bệnh sốt xuất huyết
(Nguồn: ERIK JEPSEN/CREATIVE SERVICES AND PUBLICATIONS/UNIVERSITY OF CALIFORNIA, SAN DIEGO)
Theo Science
Lê Mỹ Tiểu Ngọc – Nguyễn Đức Huy, PTN Công nghệ Protein và Enzyme