Chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích thu được từ nguồn gen là một trong ba mục tiêu cơ bản của Công ước về Đa dạng sinh học. Với mong muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế đối với vấn đề tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Nghị định thư Nagoya đã được ra đời năm 2010 tại thành phố Nagoya, Nhật Bản và có hiệu lực vào tháng 10 năm 2014. Tính đến nay, Nghị định thư đã có 118 quốc gia thành viên. Việt Nam đã gia nhập Nghị định thư Nagoya từ năm 2014.
Để triển khai các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tuân theo các yêu cầu của Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đa dạng sinh học 2008, Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 05 năm 2017 về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen và gần đây nhất là Thông tư số 15/2019/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 11 tháng 09 năm 2019 Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận NG để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại.
Song song với quá trình hoàn thiện các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiều hoạt động tăng cường năng lực đối với việc thực hiện các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Với mong muốn xây dựng năng lực cho mạng lưới chuyên gia không chỉ có kiến thức, kinh nghiệm về các quy định, các yêu cầu trong quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích mà còn có khả năng tham gia thực hiện đào tạo các nội dung liên quan đến ABS, trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích ở Việt Nam”, ngày 18-20/9/2019 tại Hạ Long, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học tổ chức Hội thảo “Đào tạo cho giảng viên về Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS)”.
Tại Hội thảo, ngoài việc trao đổi kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế về Thương mại và Phát triển bền vững trình bày bối cảnh quốc tế cũng như chia sẻ các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trên thế giới về thực hiện tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, các đại biểu còn được tham gia vào quá trình thảo luận chuyên sâu cũng như được nghiên cứu các trường hợp điển hình của tiếp cận nguồn gen, xây dựng hợp đồng, thỏa thuận cũng như các trường hợp điển hình về chia sẻ lợi ích trên thế giới và ở Việt Nam.