Sáng ngày 25/03/2022, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (Viện); Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế (Sở KH&CN); UBND huyện A Lưới phối hợp tổ chức Hội nghị công bố triển khai đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Ứng dụng khoa học công nghệ phục tráng, khai thác và phát triển sản phẩm măng tre A Hum theo chuỗi giá trị tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” tại hội trường UBND huyện A Lưới. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND huyện A Lưới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; Phó giám đốc Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế; đại diện lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học và thành viên thực hiện đề tài.
Măng tre A Hum là một đặc sản địa phương gắn liền với nét văn hóa của người dân huyện A Lưới, thường cho thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Măng A Hum được người dân dùng ăn tươi, có vị ngọt đặc trưng, hàm lượng lipid cao. Tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp do các hoạt động khai phá của con người làm ảnh hưởng rất lớn đến các nguồn gen cây trồng tự nhiên trong đó có giống măng tre A Hum. Bên cạnh đó, người dân khai thác măng tre theo phương pháp truyền thống, chưa áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nên diện tích măng tre A Hum ngày càng suy giảm. Việc du nhập của các giống măng tre có nguồn gốc từ miền núi phía Bắc và các giống măng tre có nguồn gốc từ Trung Quốc đã ảnh hướng rất lớn đến diện tích và sản lượng măng A Hum, làm cho quy mô diện tích măng tre A Hum trong tự nhiên ngày càng thu hẹp. Hiện nay, măng tre A Hum chỉ tồn tại rải rác ở các xã thuộc huyện A Lưới. Đứng trước các thực tế nêu trên, Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế đã đề xuất đề tài: “Ứng dụng khoa học công nghệ phục tráng, khai thác và phát triển sản phẩm măng tre A Hum theo chuỗi giá trị tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Đại biểu tham dự Hội nghị công bố triển khai đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Ứng dụng khoa học công nghệ phục tráng, khai thác và phát triển sản phẩm măng tre A Hum theo chuỗi giá trị tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế”
Tại Hội nghị, chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyến Tiến Long đã giới thiệu đề tài đến đại biểu tham dự. Đồng thời, chủ nhiệm đề tài cũng nhấn mạnh và tin tưởng rằng thành công của đề tài sẽ sớm được chuyển giao trực tiếp cho Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn A Lưới để nhân rộng mô hình trong toàn huyện cũng như bảo tồn nguồn gen cây đặc hữu của địa phương; măng tre A Hum cũng có thể được nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đương, đặc biệt là các khu vực trung du miền núi.
TS. Nguyến Tiến Long – chủ nhiệm đề tài giới thiệu về đề tài măng tre A Hum
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Hồ Văn Ngưm khẳng định đề tài đã thể hiện được ý nghĩa cấp thiết hiện nay về phục tráng, khai thác và phát triển sản phẩm măng tre A Hum theo chuỗi giá trị tại huyện A Lưới nói riêng và tạo cơ hội, tiềm năng đối với các địa phương khác phát triển giống măng này nói chung. Ông Hồ Văn Ngưm cũng bày tỏ tin tưởng rằng thực hiện và ảnh hưởng đề tài mang lại sẽ cung cấp giải pháp để phát triển kinh tế địa phương dựa trên mô hình canh tác cây trồng đặc sản; tạo thêm sinh kế bền vững cho cộng đồng, khai thác hiệu quả quỹ đất vùng đồi núi; góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên góp phần cải thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và chống xói mòn, thoái hóa đất đối với vùng đầu nguồn.
Ông Hồ Văn Ngưm – Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới phát biểu tại Hội nghị
Tại buổi làm việc, đại biểu tham dự đã trao đổi sâu với nhóm thực hiện đề tài cũng như đơn vị phối hợp về khả năng ứng dụng và phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu, tập trung vào khả năng về thị trường, khả năng ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, khả năng liên kết kinh doanh nhằm định hướng và hỗ trợ giải pháp mở rộng thương mại hóa sản phẩm măng tre A Hum.