Điểm lại một số hoạt động sở hữu trí tuệ tại Viện Công nghệ sinh học năm 2019

Ngày 26 tháng 4 hằng năm đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lấy làm “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”. Chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”.

Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế (Viện) là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ trong mô hình đại học. Bên cạnh một số công tác nổi bật như: nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng các sản phẩm khoa học có giá trị đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội; đào tạo và liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ về sinh học, công nghệ sinh học và các lĩnh vực liên quan với các đơn vị trong và ngoài Đại học Huế để cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao cho xã hội; hoạt động sở hữu trí tuệ cũng là một công tác được Viện hết sức lưu tâm thông qua hoạt động ươm tạo, chuyển giao quy trình công nghệ, đăng ký sở hữu trí tuệ.

Năm 2019, 02 giải pháp, công trình của Viện đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần IX. Trong đó, 01 giải pháp về “Quy trình công nghệ sản xuất giống Lươn đồng Monopterus albus (Zuiew, 1793) bằng phương pháp bán tự nhiên” của nhóm tác giả Trần Vinh Phương và cs. và 01 công trình, giải pháp về “Nghiên cứu nuôi tảo silic Skeletonema costatum trong hệ thống kín tại Thừa Thiên Huế” của nhóm tác giả PGS.TS Nguyễn Thị Thu Liên và cs. Bên cạnh đó, “Nhãn hiệu: HU-GANTOMIX” và “Độc quyền sáng chế: Quy trình sản xuất chế phẩm sinh học làm thức ăn bổ sung trong nuôi trồng thủy sản” của tác giả Trần Vinh Phương cùng các nhà khoa học Đại học Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp văn bằng sở hữu trí tuệ.

Để phát huy khả năng nghiên cứu và ứng dụng khoa học, Viện Công nghệ sinh học tích cực đẩy mạnh, đổi mới sáng tạo các hoạt động, chiến lược về sở hữu trí tuệ nhằm góp phần “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”.

(Nguồn ảnh: https://www.wipo.int/ip-outreach/en/ipday/)

 

 

Tiếng Việt