Đào tạo tiến sĩ sinh học theo chương trình song ngữ

TTH – Đại học (ĐH) Huế vừa có quyết định cho phép Viện Công nghệ sinh học (CNSH) mở đào tạo tiến sĩ chuyên ngành sinh học. Đây là chương trình đào tạo song ngữ, tuyển sinh cả các học viên nước ngoài.

Cán bộ Viện công nghệ sinh học ĐH Huế tiến hành các nghiên cứu khoa học

 

Điều kiện “khắt khe”

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế cho biết, chương trình đào tạo này được triển khai bằng cả ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, cho phép học viên quốc tế có thể theo học. Với chương trình đào tạo tiên tiến, ngoài các quy định đầu vào bắt buộc, ứng viên trong nước phải có bằng tốt nghiệp ĐH hoặc thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp được sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong quá trình học (hoặc tiếng nước ngoài khác) hay bằng tốt nghiệp ĐH các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp; chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 2 năm tính đến ngày đăng ký dự tuyển… “Đây là một trong những điều kiện khắt khe nhưng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, viện phải đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN”, bà Hải nhấn mạnh.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, người dự thi cũng phải đáp ứng điều kiện là tác giả 1 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 3 năm (tính đến ngày đăng ký dự tuyển).

Chương trình đào tạo có cả hình thức tập trung liên tục và không liên tục. Trong đó, hình thức tập trung liên tục đòi hỏi người có bằng thạc sĩ phải học trong 3,5 năm, người có bằng tốt nghiệp ĐH (kỹ sư hoặc cử nhân) là 5 năm. Riêng hình thức tập trung không liên tục, thời gian học kéo dài hơn, từ 4 năm (người có bằng thạc sĩ) – 6 năm (người có bằng ĐH). Trong trường hợp này, nghiên cứu sinh (NCS) phải có đơn và kế hoạch làm việc tại Viện CNSH, có ý kiến chấp nhận của người hướng dẫn, Viện trưởng Viện CNSH và có sự đồng ý của Giám đốc ĐH Huế trước khi có quyết định công nhận NCS.

Đại diện lãnh đạo Viện CNSH, ĐH Huế cho biết, đào tạo tiến sĩ theo chương trình song ngữ không đơn giản. Ngoài chương trình của Viện, ĐH Huế mới chỉ có chương trình đào tạo tiến sĩ chăn nuôi tại Trường ĐH Nông lâm bằng tiếng Anh. “Viện đã mất hơn 1 năm để nghiên cứu, xây dựng chương trình và trải qua nhiều bước thẩm định theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là những quy định về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ chuyên môn giảng dạy”, lãnh đạo Viện CNSH nói.

 Quảng bá thu hút người học

Ngay sau khi ĐH Huế có thông báo tuyển sinh NCS năm 2018 (bổ sung) vào ngày 1/11/2018, Viện CNSH đã tiến hành công tác quảng bá tuyển sinh tại các đơn vị, địa phương trong nước và chuẩn bị triển khai quảng bá tuyển sinh tại Lào cùng một số nước khác trong khu vực. Cán bộ làm công tác tuyển sinh tại Viện CNSH chia sẻ, ở trong nước, hiện nay có rất nhiều đơn vị đào tạo các chuyên ngành trình độ ĐH và cao học như: sinh học, sinh học thực nghiệm, công nghệ sinh học, động vật học, thực vật học, sinh thái học, di truyền học… Tại Huế và khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng có khá nhiều đơn vị có thể phối hợp để quảng bá tuyển sinh. Phía Viện CNSH đã gửi các thông báo tuyển sinh, đồng thời tận dụng các kênh quảng bá trực tuyến để giới thiệu đến người học.

Tại các nước trong khu vực, Viện CNSH đang xây dựng kế hoạch, chuẩn bị “xuất quân” quảng bá vào tháng 12/2018, mở đầu tại các trường ĐH tại Lào, sau đó mở rộng phạm vi quảng bá đến Myanmar và Campuchia – những nước cũng đang có nhu cầu học những ngành này bằng tiếng Anh.

Để thu hút người học, chính sách mà Viện CNSH đưa ra là hỗ trợ 100% chi phí nghiên cứu cho NCS thực hiện đề tài nghiên cứu trùng với hướng nghiên cứu của các đề tài, dự án đang thực hiện tại viện. Ngoài ra, viện sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho mỗi NCS; các giảng viên hướng dẫn sẽ hỗ trợ 50% học phí nếu NCS làm đề tài nghiên cứu toàn thời gian trong dự án/đề tài của họ. Đối với học viên quốc tế, cũng sẽ được hỗ trợ ký túc xá. Khi kết thúc chương trình học, Viện CNSH sẽ tạo cơ hội việc làm nếu đáp ứng đủ điều kiện. “Viện CNSH đang được đầu tư, phát triển theo Đề án phát triển viện trở thành trung tâm CNSH Quốc gia tại khu vực miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến quy mô đến năm 2025 là 150 – 200 cán bộ làm công tác chuyên môn, vì thế cơ hội việc làm cho người học rất lớn”, bà Hải nói.

Theo đại diện ĐH Huế, hiện nay Viện CNSH cũng đang thực hiện nhiều đề tài các cấp, có thể hỗ trợ để NCS tham gia vào hướng nghiên cứu. Đây là thuận lợi cho học viên tham gia theo học và cũng là thông tin mà đơn vị này có thể quảng bá đến người học.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

(Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online, ngày 06/12/2018

Link: http://baothuathienhue.vn/dao-tao-tien-si-sinh-hoc-theo-chuong-trinh-song-ngu-a65239.html?fbclid=IwAR0ceGQGp3CthEffrVPrrx_fmHUFTyiw_5MOmUCnr4taJ1hO2i0WDbbn0E8)

Tiếng Việt