Nghiệm thu thành công đề tài KH&CN cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, mã số: CT-2018-DHH

Trong 2 ngày 5-6/7/2021, tại Đại học Huế đã tổ chức Hội đồng khoa học đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ 07 đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Chương trình KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để tạo sản phẩm sử dụng trong phòng trị một số bệnh ở tôm, cá nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, mã số: CT-2018-DHH (Chương trình) do Đại học Huế là tổ chức chủ trì Chương trình; Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế là đơn vị thực hiện.

Chương trình được triển khai thực hiện với mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định các tác nhân gây bệnh chính trên tôm và cá nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; phát triển một số công nghệ sản xuất các Kit chẩn đoán và phát hiện nhanh các bệnh trên tôm và cá; đồng thời sản xuất một số chế phẩm như kháng thể để hỗ trợ cho tôm, cá phòng bệnh tốt hơn, các vi sinh vật đối kháng và chế phẩm sinh học từ dịch chiết cấy chó đẻ thân xanh kết hợp vi sinh vật có lợi để phòng trị bệnh trên tôm, cá ở vùng ven biển miền Trung nhằm giúp cư dân và các doanh nghiệp ổn định sản xuất, sinh kế và góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả nghề nuôi trồng thủy sản. Với sự tham gia của đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm, sau 3 năm thực hiện đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu và mục tiêu của Chương trình.

Tại buổi nghiệm thu, đại diện của từng đề tài đã trình bày và phân tích làm rõ quá trình, phương pháp nghiên cứu và đặc biệt là những thành quả đã đạt được có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn sản xuất như xây dựng được cơ sở dữ liệu về tình hình nhiễm vi khuẩn Vibrio sp. trên tôm và cá nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế; KIT chẩn đoán vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh lở loét ở cá; AHPND – multiplex PCR kit phát hiện nhanh bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm; chế phẩm HU-GANTOMIX chứa các hoạt chất sinh học cao nhằm tăng cường chức năng gan tôm, cá; chế phẩm Wesialla hỗ trợ đề kháng cho tôm chống lại nhóm vi khuẩn Vibrio spp.; chế phẩm kháng thể phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm (Anti-AHPND); kháng thể Vibfish phòng trị bệnh xuất huyết lở loét do vi khuẩn Vibrio gây ra ở cá.

TS. Nguyễn Đức Huy – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế; chủ nhiệm đề tài: “Nghiên cứu tạo chế phẩm vi sinh đối kháng Vibrio sp. nhằm phòng trị bệnh trên tôm, cá” trình bày tại buổi nghiệm thu đề tài

Các thành viên Hội đồng đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả nghiên cứu và khả năng ứng dụng vào thực tiễn; những đóng góp ý nghĩa về mặt khoa học, kinh tế – xã hội mà Chương trình mang lại trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghề nuôi trồng thủy sản trên đại bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Kết quả đánh giá xếp loại của 07 đề tài: Đạt.

ThS. Trần Vinh Phương – Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế – Đại học Huế, chủ nhiệm đề tài: “Nghiên cứu quy trình tạo chế phẩm sinh học từ dịch chiết cây chó đẻ thân xanh (Phyllanthus amarus Schum) kết hợp vi sinh vật có lợi để phòng trị bệnh tôm, cá” báo cáo tại buổi nghiệm thu

 

 

Tiếng Việt