Gần 1 năm triển khai, hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để tạo sản phẩm sử dụng trong phòng trị một số bệnh ở tôm, cá nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang mang lại những tín hiệu tích cực, hứa hẹn giúp các hộ nuôi trồng thủy sản bớt lo.
Thành công bước đầu
Đại diện Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế (đơn vị chịu trách nhiệm chính triển khai đề tài) cho biết, sau gần 1 năm nghiên cứu, các chuyên gia (từ nhiều đơn vị thuộc ĐH Huế) đã phân lập, xác định, đánh giá được hiện trạng bệnh hoại tử gan tụy cấp (trên tôm), lở loét (trên cá), xác định và phân lập các gen độc tố trên các chủng vi sinh vật gây bệnh. Dựa trên những thành công bước đầu, các chuyên gia đang chuẩn bị sản xuất các kháng nguyên tái tổ hợp dựa trên các gen đã phân lập và từ đó sản xuất các kháng thể.
Hiện nay, các nhà khoa học cũng đã phân lập được các dòng vi sinh vật đối kháng với các vi sinh vật gây bệnh trên tôm cá. Ngoài ra, cũng đã tách chiết được các hoạt chất từ các cây thảo dược để thử nghiệm, đánh giá khả năng kháng các dòng vi khuẩn gây bệnh của các hoạt chất này. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả quan và từ những kết quả đó, các chuyên gia sẽ tiến hành thử nghiệm các chế phẩm này trên tôm cá.
Các cán bộ, chuyên gia ở Viện CNSH, ĐH Huế khảo sát tình hình nuôi trồng thủy sản ở một doanh nghiệp tại huyện Phong Điền
Tăng hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường
Bệnh lở loét ở các loài cá nước lợ mặn và bệnh hoại tử gan tụy xuất hiện nhiều năm qua và từ năm 2010, dấu hiệu bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm đã khiến nhiều hộ nuôi rơi vào cảnh khó khăn. Đại diện ban chủ nhiệm đề tài phân tích, thực ra, trước đây đã có nhiều chuyên gia và ngay cả sinh viên tiến hành các nghiên cứu liên quan. Đáng tiếc là, vì nhiều lý do khác nhau, các công trình trước đó thường chỉ dừng lại ở đặc điểm bệnh học, tác nhân gây bệnh và đưa ra một số hướng phòng trị bệnh tổng hợp, chưa nghiên cứu tạo ra sản phẩm chẩn đoán và phòng trị bệnh như bộ Kit (công cụ chẩn đoán) chẩn đoán nhanh, kháng thể và các chế phẩm sinh học khác.
Đại diện Viện CNSH phấn khởi, điểm may mắn là công trình này là chương trình khoa học và công nghệ cấp bộ. Ngoài chi phí đơn vị tự đối ứng thì ngân sách của Nhà nước cũng hỗ trợ đến 70%, tổng kinh phí nghiên cứu đến 10 tỷ đồng nên có điều kiện để đi sâu phân tích đầy đủ và tạo ra được chế phẩm sinh học tốt và an toàn, quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm để chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học, thương mại hóa sản phẩm nhằm phục vụ sản xuất, từ đó hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả của chương trình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho ngành nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Thừa Thiên Huế, góp phần kiểm soát và giảm thiểu dịch bệnh trên tôm cá nuôi, hướng tới xây dựng các vùng nuôi an toàn và sản phẩm xuất khẩu từ đó nâng cao thu nhập cho người dân và thu ngân sách. Ngoài ra, hiệu quả về môi trường từ công trình này cũng sẽ rất lớn. Nuôi tôm, cá chủ động theo hướng an toàn bằng việc sử dụng kháng thể, vi sinh vật đối kháng và dịch chiết cây dược liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ao nuôi…
Ngày 28/3/2017, UBND tỉnh có công văn số 1689 gửi Bộ GD&ĐT về việc hỗ trợ thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho Đại học Huế, ứng dụng công nghệ sinh học để phòng ngừa bệnh cho tôm, cá ở các vùng nuôi trồng thủy sản chính của tỉnh.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương cũng như các kết quả nghiên cứu trên bệnh thủy sản, Đại học Huế đã kết nối với các cơ quan, ban ngành để triển khai chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ “Nghiên cứu ứng dụng CNSH để tạo sản phẩm sử dụng trong phòng trị một số bệnh ở tôm, cá nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế” với mong muốn giúp người dân và các doanh nghiệp ổn định sản xuất, sinh kế và góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả nghề nuôi trồng thủy sản. Với tính chất quan trọng của nghiên cứu và cần có trang thiết bị hiện đại và tốt, ĐH Huế đã giao chương trình này cho Viện CNSH thực hiện trong thời gian 2 năm.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC
(Bài viết được trích từ Báo Thừa Thiên Huế số ra ngày 06/04/2019)