Phát hiện kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn theo cơ chế mới

Một nhóm kháng sinh mới với cách thức độc đáo để tấn công vi khuẩn đã được phát hiện, khiến nó trở thành một ứng cử viên lâm sàng đầy triển vọng trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh.

Loại kháng sinh Corbomycin mới được tìm thấy có cơ chế tiêu diệt vi khuẩn chưa được phát hiện từ trước đến nay, đó là ngăn chặn chức năng của thành tế bào vi khuẩn. Phát hiện này xuất phát từ một họ kháng sinh có tên là glycopeptide được sản xuất bởi vi khuẩn đất. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh trên chuột rằng những loại kháng sinh mới này có thể ngăn chặn nhiễm trùng gây ra do vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng thuốc, một nhóm vi khuẩn có thể gây nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Nature tháng 2/2020.

Theo Beth Culp, nghiên cứu sinh tại trường Đại học McMaster (Canada), tác giả chính của nghiên cứu cho biết vi khuẩn có một lớp thành tế bào bao quanh bên ngoài các tế bào để tạo cho chúng hình dạng cố định và bảo vệ chúng. Thuốc kháng sinh như penicillin tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ngăn chặn quá trình xây dựng thành tế bào, nhưng loại kháng sinh mới tìm thấy hoạt động bằng cách làm ngược lại – chúng ngăn không cho thành tế bào bị phá vỡ. Sự phá vỡ thành tế bào rất quan trọng trong quá trình phân chia, khi tế bào lớn lên, nó sẽ phải phân chia và nhân lên. Nếu quá trình phá vỡ thành tế bào bị chặn lại, vi khuẩn giống như bị nhốt trong nhà tù và không thể nhân lên hoặc phát triển.

Dựa trên cây phả hệ các kháng sinh trong nhóm glycopeptide đã biết, các nhà khoa học đã nghiên cứu các gene liên quan đến cơ chế kháng chưa được xác định này, với ý tưởng rằng kháng sinh này có thể tác động lên vi khuẩn với một cơ chế khác. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng nếu các gene tạo ra các loại kháng sinh khác nhau, thì các kháng sinh này có thể tiêu diệt vi khuẩn theo các cách khác nhau.

Nhóm tác giả đã chứng minh được rằng thành tế bào vi khuẩn là nơi hoạt động của các loại kháng sinh mới này bằng cách sử dụng các kỹ thuật chụp hình ảnh tế bào. Cách tiếp cận này được áp dụng cho các loại kháng sinh khác và giúp các tác giả khám phá ra những loại kháng sinh mới với cơ chế hoạt động khác nhau.

(Nguồn: https://cen.acs.org/pharmaceuticals/antibiotics/Phylogenetic-screen-finds-antibiotics-work/98/i7)

Theo Sciencedaily

Phạm Thị Diễm Thi, PTN Công nghệ gen

Tiếng Việt